Thời sự 15/11/2018 13:41

Dự toán ngân sách 2019: Thu không đủ bù chi, chi thường xuyên chiếm quá nửa

Quốc hội thông qua tổng chi đầu tư phát triển 196.900 tỷ đồng trong khi chi trả nợ lãi lên đến 121.900 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết Về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này, dự kiến tổng số thu ngân sách Trung ương là 810.099 tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng.

Về chi, dự toán tổng số chi ngân sách Trung ương là 1,019 triệu tỷ đồng. Trong đó, dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019, Quốc hội thông qua chi đầu tư phát triển 196.900 tỷ đồng; chi trả nợ lãi đến 121.900 tỷ đồng; dự phòng ngân sách Trung ương 16.000 tỷ đồng; chi thực hiện cải cách tiền lương và tinh giản biên chế 16.200 tỷ đồng.

Chi thường xuyên (gồm chi quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, chi thường xuyên khác…) chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách, dự toán 454.748 tỷ đồng.

Trước đó, trong các ngày 23-24/10 và ngày 29/10, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, có ý kiến cho rằng phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 còn bình quân, dàn đều, cần tập trung quan tâm đối với các địa phương khó khăn, thu ngân sách thấp, các địa phương vùng cao, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm, các trọng điểm kinh tế để tạo sự lan tỏa, tạo động lực phát triển.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, định mức phân bổ chi thường xuyên cho các địa phương đã có ưu tiên cho các địa phương vùng núi cao và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, Chính phủ trình Quốc hội tăng thêm 2% số bổ sung cân đối so với năm 2017 cho các địa phương. Đồng thời, ngân sách trung ương đã ưu tiên đầu tư cầu, đường giao thông, kênh, cảng, cũng như phân cấp cho địa phương nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết để dành cho chi đầu tư phát triển.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần thực hiện rà soát, đánh giá đầy đủ số liệu các khoản nợ của ngân sách nhà nước, xây dựng phương án thanh toán nợ cụ thể, bố trí vốn thanh toán theo đúng chủ trương và kế hoạch đề ra; có chế tài xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong việc kéo dài thời gian không giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, Chính phủ đã quán triệt các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, trình Quốc hội bố trí chi ngân sách nhà nước hàng năm ưu tiên chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn. 

Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trình Quốc hội đã báo cáo phương án chi trả khoản nợ của bảo hiểm xã hội, từ năm 2018, bố trí trả nợ dần, cả gốc và lãi. Đối với các khoản trả gốc, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội việc chi trả đầy đủ, đúng hạn. 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, chi ngân sách cho lĩnh vực bảo vệ môi trường còn thấp và việc bố trí còn dàn trải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tích cực triển khai các hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *