Thời sự 14/08/2020 17:21

Dự thảo biểu giá điện: Lợi, thiệt ra sao khi chọn 1 giá và 5 bậc thang?

Nếu giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân thì các khách hàng sử dụng điện trên 800 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.

Tiền điện các hộ sẽ biến động ra sao với biểu giá mới vừa được đề xuất?

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy kiến.

Dự thảo đề xuất 2 phương án về giá điện, trong đó phương án 1 là áp dụng biểu giá 5 bậc thang. Phương án 2 là khách hàng được chọn áp dụng biểu giá 5 bậc thang hoặc tính theo một giá điện.

Trên cơ sở số liệu thực tế sử dụng của các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, Bộ Công Thương đã đưa ra bảng tổng hợp chi phí tiền điện của các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt như sau:

Dự thảo biểu giá điện: Lợi, thiệt ra sao khi chọn 1 giá và 5 bậc thang? - 1

Chi phí tiền điện của khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt

Qua số liệu tính toán nêu trên có thể thấy, đối với tất cả các phương án: Đa số các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng).

Cụ thể, khách hàng sử dụng 100 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng;

Khách hàng sử dụng 200 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng;

Khách hàng sử dụng 400 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 12.800 đồng;

Khách hàng sử dụng 500 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 7.200 đồng;

Khách hàng sử dụng 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 1.600 đồng.

Riêng các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh chi phí tiền điện sẽ tăng do ghép bậc 201-300 kWh và 301-400 kWh thành bậc mới. Số tiền phải trả tăng thêm khi sử dụng ở mức 300 kWh là 7.100 đồng.

Với phương án 1 và phương án 2A, 2B đều có giá điện 4 bậc đầu giống nhau. Do vậy, dù phương án nào được áp dụng thì các khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 700kWh (hiện chiếm trên 98% tổng số khách hàng) đều có chi phí tiền điện bằng nhau.

Dự thảo biểu giá điện: Lợi, thiệt ra sao khi chọn 1 giá và 5 bậc thang? - 2

Ai chọn phương án một giá sẽ có lợi hơn trước?

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã có những chia sẻ chi tiết đối với phương án 2A và 2B.

Dự thảo biểu giá điện: Lợi, thiệt ra sao khi chọn 1 giá và 5 bậc thang? - 3

Dự thảo biểu giá điện: Lợi, thiệt ra sao khi chọn 1 giá và 5 bậc thang? - 4

Theo đó, ông Tuấn cho biết để đảm bảo giữ giá điện sinh hoạt bình quân không thay đổi, đồng thời giữ giá điện ở 4 bậc đầu của phương án 1 và phương án 2 giống nhau để không tác động tới chi phí tiền điện của đa số khách hàng sử dụng điện dưới 700kWh/tháng nên khi xây dựng các phương án giá điện một giá sẽ chỉ thay đổi giá điện ở bậc 5 và giá điện một giá.

"Nếu giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân (phương án 2A, mức giá này cao hơn giá bậc 3 và thấp hơn giá các bậc 4 và bậc 5) thì giá điện ở bậc 5 sẽ bằng bằng 274% mức giá điện bình quân", ông Tuấn cho biết. 

Cũng theo Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân (Phương án 2B, mức giá này cao hơn giá bậc 3 và thấp hơn giá các bậc 4 và bậc 5) thì giá điện ở bậc 5 sẽ bằng 185% mức giá điện bình quân.

Theo ông Tuấn, nếu phương án 2A và 2B được áp dụng, khi khách hàng lựa chọn biểu giá theo phương án 1 giá sẽ hạn chế những nhược điểm của giá điện bậc thang, đặc biệt là những khách hàng sử dụng điện ở mức cao như việc tiền điện tăng bất thường vào các tháng nắng nóng, sai lệch về thời điểm ghi chỉ số công tơ hàng tháng.

Nếu giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân (Phương án 2A) thì các khách hàng sử dụng điện trên 800 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.

Tương tự nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân (Phương án 2B) thì các khách hàng sử dụng điện trên 1.100 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.

Cục trưởng Cục điều tiết điện lực khẳng định các phương án nêu trên đã khắc phục được một phần nhược điểm của biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt hiện hành.

Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến lựa chọn của các cơ quan đơn vị, các khách hàng sử đụng điện để hoàn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Dự kiến biểu giá điện mới được áp dụng từ đầu năm 2021.

Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã khẳng định phương án 1 giá bằng giá điện sinh hoạt bình quân không nhận được sự ủng hộ phần đông của các bộ ngành đã lấy ý kiến.

Lý do được ông Tuấn cho biết là với phương án một giá bằng giá sinh hoạt bình quân, tiền điện các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 đến 39.000 đồng/khách hàng/tháng.

Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hàng năm tăng từ mức trên 1.000 tỷ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỷ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng/năm) do mức giá điện 1 giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành.

“Đồng thời việc áp dụng giá điện một giá cho tất cả các đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả", ông Tuấn nói.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *