Thời sự 28/02/2019 06:58

Donald Trump và Kim Jong-un "bắt tay": Việt Nam sẽ là trung gian đầu tư sang Triều Tiên

Theo TS. Đỗ Hoài Linh, chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu Triều Tiên đổi mới và mở cửa kinh tế, đây sẽ là cơ hội rất tốt để nông nghiệp Việt Nam xác lập vị thế mới của mình trên trường quốc tế.

Ngày 27/2, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều chính thức bắt đầu. Lịch trình cho ngày hội nghị đầu tiên tại Hà Nội đã được Nhà Trắng công bố. Theo đó, hai nhà lãnh đạo là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp riêng và ăn tối tại khách sạn Metropole.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia thế giới, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần này sẽ đạt được những bước tiến khả quan sau 1 thời gian dài rơi vào bế tắc khi các bên không thể thống nhất được lộ trình cụ thể của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thỏa hiệp lần này giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể là cơ hội cho Triều Tiên đổi mới và mở cửa nền kinh tế không chỉ với Mỹ và với các quốc gia khác trên thế giới.

Liên quan đến vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Hoài Linh, chuyên gia kinh tế (Đại học Kinh tế Quốc dân).

Donald Trump và Kim Jong-un bắt tay: Việt Nam sẽ là trung gian đầu tư sang Triều Tiên - 1

TS. Đỗ Hoài Linh, chuyên gia kinh tế (Đại học Kinh tế Quốc dân).

Thưa bà, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chính thức diễn ra tại Hà Nội. Cả thế giới cũng đang kỳ vọng vào một kết quả tích cực trong cuộc đàm phán lần này giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Bà có cho rằng Triều Tiên sẽ đổi mới và mở cửa trong thời gian tới?

- Trước cuộc gặp gỡ hôm nay với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã từng bày tỏ mong muốn phát triển kinh tế Triều Tiên. 

Donald Trump và Kim Jong-un bắt tay: Việt Nam sẽ là trung gian đầu tư sang Triều Tiên - 2

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Việt Nam bằng tàu hỏa. (Ảnh: P.V)

Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đi xe lửa sang Việt Nam, có lẽ ông muốn nhìn thấy "gần hơn" nền kinh tế Việt Nam. Khi di chuyển bằng tàu hỏa, từ Đồng Đăng về Hà Nội, một quãng đường không quá xa nhưng cũng đủ để ông hiểu hơn về bức tranh kinh tế nước ta.  

Vậy việc kinh tế Triều Tiên đổi mới và mở cửa kinh tế sẽ có tác động như thế nào đối với Việt Nam?

- Với Việt Nam hiện nay lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc là 1 trong những thị trường chủ lực đổ vốn đầu tư vào nước ta trong những năm gần đây. Trong đó, Samsung là 1 điển hình, còn chưa kể những tập đoàn khác...

Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều đó cho thấy, dòng vốn FDI có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta, trong đó có Hàn Quốc.Trong khi đó, GDP những năm gần đây có sự đóng góp rất lớn từ khu vực FDI mà Samsung nằm trong số những đơn vị đóng góp nhiều nhất. Như năm 2017, trong 220 tỷ USD của GDP thì có 60 tỷ USD từ Samsung.

Đặt trong bối cảnh Triều Tiên sẽ đổi mới và mở cửa kinh tế sau thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này tại Hà Nội, chúng ta sẽ có thể mất một chút lợi thế bởi các doanh nghiệp của Hàn Quốc có thể sẽ dịch chuyển phần nào về Bắc Triều Tiên. Tại sao tôi lại nói như vậy?

Thứ nhất, nếu xét về khoảng cách, Việt Nam xa hơn về mặt địa lý so với Triều Tiên. Ngoài vị trí địa lý thuận lợi là gần Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Triều Tiên còn có những lợi thế khác như trữ lượng khoáng sản lớn, với trị giá ước tính lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Mới đây, ông Trump dự báo Triều Tiên sẽ trở thành một "tên lửa kinh tế" dưới sự dẫn dắt của ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo mà Tổng thống Mỹ đánh giá là "rất có năng lực".

Thứ hai, Việt Nam bắt đầu qua thời kỳ "dân số vàng", chi phí nhân công của chúng ta lại ngày càng gia tăng.

Thứ ba, chúng ta đã phát triển ở một mức độ tương đối nên sẽ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề như môi trường, chính sách… Đó là chưa kể những rào cản về thể chế, chính sách dù quyết liệt nhưng vẫn chưa thực sự tạo ra độ thông thoáng cho các doanh nghiệp FDI.

Như vậy, rõ ràng thay vì việc lựa chọn đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc họ có thể lựa chọn Triều Tiên. Triều Tiên mở cửa, các quốc gia đang có dòng vốn lớn vào Việt Nam khác như Nhật Bản Singapore cũng có thêm thị trường để đầu tư.

Donald Trump và Kim Jong-un bắt tay: Việt Nam sẽ là trung gian đầu tư sang Triều Tiên - 3

Hai nhà lãnh đạo Mỹ -Triều tại Hội nghị thượng đỉnh lần 1 tổ chức tại Singapore. (Ảnh: I.T)

Nếu xét về dòng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài, việc Triều Tiên đổi mới và mở cửa kinh tế cũng là một cơ hội cho Việt Nam vì chúng ta có ít nhất 30 năm đổi mới, chúng ta hoàn toàn có kinh nghiệm để trở thành các quốc gia trực tiếp hoặc làm trung gian cho các quốc gia khác mở rộng đầu tư sang Triều Tiên.

Việc này sẽ giúp chúng ta tận hưởng những lợi thế kinh tế ban đầu từ những nước mới mở cửa như Triều Tiên hay Cuba, nhất là các ngành mũi nhọn. Còn nếu nhìn dài hạn hơn, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam khẳng định được thế mạnh của mình mà Triều Tiên không có, ví dụ như nông nghiệp hay các ngành công nghệ cao.

Nông nghiệp - Điểm mạnh của nền kinh tế Việt Nam 

Như bà đã phân tích, ngoài những hạn chế thì đây cũng là cơ hội cho ngành mũi nhọn của chúng ta. Vậy, đâu sẽ ngành mũi nhọn, tạo lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với Triều Tiên?

Nông nghiệp chính là điểm mạnh của Việt Nam so với Triều Tiên. Với những lợi thế mà Triều Tiên không thể nào có được, Việt Nam cần phải nhanh chóng tận dụng xác lập vị thế của mình trong giai đoạn mà Triều Tiên còn đang trong giai đoạn chuyển giao, đổi mới.

Donald Trump và Kim Jong-un bắt tay: Việt Nam sẽ là trung gian đầu tư sang Triều Tiên - 4

Nông nghiệp đang là điểm mạnh của nền kinh tế Việt Nam. (Ảnh: I.T)

Theo tôi, sản phẩm nông nghiệp sạch thì thị trường nào cũng cần. Thậm chí, Việt Nam còn có thể xuất khẩu sang cả Triều Tiên nếu chúng ta tận dụng tốt các cơ hội.

Vậy, để tận dụng được cơ hội này thì chúng ta phải làm gì, thưa bà?

- Theo nhìn nhận của tôi, những người nông dân đã làm rất tốt việc của họ, chỉ cần tư tưởng học hỏi và nhận thức cái mới nữa. Còn nhìn về tổng thể, chúng ta cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình kết hợp 6 nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối.   

Tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong tiến trình này, nhà nước cần sớm đưa ra những tiêu chuẩn về an toàn, đầu tư công nghệ hiện đại phù hợp… để nâng cao năng suất.

 Xin cảm ơn bà!

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 5 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư.

Theo Huyền Anh
Dân Việt

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *