Thời sự 16/07/2020 10:20

Doanh nghiệp Việt "rút két" hơn 20 tỷ USD đầu tư kiếm ăn nơi xứ người

Dân trí Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2019, các nhà đầu tư Việt Nam đã ký cam kết bỏ hơn 20,6 tỷ USD để đầu tư tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về thực trạng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt rút két hơn 20 tỷ USD đầu tư kiếm ăn nơi xứ người - 1

Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt nhiều nhất là Lào, Myanmar

Theo đó, tính riêng năm 2019, vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đạt hơn 500 triệu USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong số hơn 20,6 tỷ USD vốn đăng ký của doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài, nổi bật là tên của các tập đoàn, tổng công ty, công ty liên danh có số vốn đầu tư ra nước ngoài trên 1 tỷ USD.

Danh sách này bao gồm: Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrol Vietnam - PVN), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội - Viettel, Tập đoàn Cao su Việt Nam, liên danh Hoàng Anh Gia Lai - Thaco và Công ty Golf Long Thành.

Về vốn giải ngân trên thực tế, theo Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2019, các doanh nghiệp Việt đã đầu tư khoảng 9,5 tỷ USD, trong đó lĩnh vực khai khoáng chiếm trên 35% số vốn giải ngân; ngành viễn thông và công nghệ thông tin có số vốn hơn 1,6 tỷ USD, nông lâm, thủy sản hơn 1,5 tỷ USD, điện, tài chính ngân hàng và kinh doanh bất động sản chỉ chiếm dưới 500 triệu USD.

Về hiệu quả đầu tư của luồng vốn trên, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2019, các doanh nghiệp Việt đã đưa khoảng 3 tỷ USD lợi nhuận về nước. Và nhờ có việc tăng cường đầu tư, đã có hơn 10.000 người lao động Việt Nam được đi làm việc ở các khu, dự án do Việt Nam đầu tư.

Về đối tác, địa bàn đầu tư trọng điểm, hiện Lào chiếm lượng vốn đầu tư lớn nhất của các doanh nghiệp Việt với hơn 200 dự án, vốn đăng ký gần 5 tỷ USD, tiếp đến là Myanmar 1,3 tỷ USD, Mỹ là gần 700 triệu USD, Úc là 400 triệu USD...

Các ngành nghề các doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất vẫn chủ yếu là ngành nghề truyền thống, chủ đạo là khai khoáng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, thông tin truyền thông, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, điều hòa không khí, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Theo Bộ KH&ĐT, một điểm dễ nhận ra trong quá trình đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt là vốn tư nhân ở các dự án có quy mô nhỏ tăng lên và vốn quy mô lớn, dự án lớn của doanh nghiệp nhà nước giảm dần.

Đến nay, giải ngân vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước đạt hơn 6,7 tỷ USD, chiếm 70% vốn giải ngân của doanh nghiệp Việt. 30% vốn giải ngân còn lại thuộc về các doanh nghiệp tư nhân hoặc liên doanh, liên danh.

Các ông lớn đầu tư ra nước ngoài được điểm danh là PVN với vốn đăng ký hơn 7 tỷ USD vào 27 dự án, Viettel đăng ký 3 tỷ USD vào 10 dự án viễn thông; VRG 1,3 tỷ USD đầu tư 23 dự án và Vinachem đầu tư 522 triệu USD vào 01 dự án.

Ngoài các ông lớn nhà nước, các ngân hàng Việt cũng tăng cường đầu tư tại xứ người, các cái tên nổi bật như BIDV, MBBank, SHB, VietinBank, Vietcombank, Agribank.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cũng có sự đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài như Hoàng Anh Gia Lai, Golf Long Thành, Mía đường Nghệ An...

An Linh

Chuyên mục: Đầu tư , Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *