Thời sự 12/12/2013 10:17

Điều hành tỷ giá: Lắm thầy, nhiều ma!

Ngân hàng Nhà nước rút cục đã phải tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá. Nhưng có lẽ như vậy vẫn chưa đủ!

Sau những gợi ý chính sách của cơ quan tham mưu cho Chính phủ, tỷ giá liên tục tăng. Các ngân hàng thương mại được thể “tát nước theo mưa“. Chắc chắn NHNN sẽ có biện pháp chấn chỉnh mạnh hơn đối với những NHTM có tính gây bất ổn thị trường.

“Sóng” đến từ đâu?

Cuối ngày 4/12, Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát đi một tài liệu về dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô 2014 và một số đề xuất, kiến nghị. Trong phần dự báo, nhóm nghiên cứu này cho rằng: triển vọng ổn định của tỷ giá trong biên độ cho phép của NHNN sẽ không thay đổi nhiều trong thời gian còn lại của năm 2013. Sang năm 2014, dự trữ ngoại hối quốc gia dự kiến đạt hơn 30 tỷ USD, đảm bảo 12,5 tuần nhập khẩu cuối năm 2013 và khoảng 14 tuần nhập khẩu.

Đây là những cơ sở quan trọng cho sự ổn định vững chắc của tỷ giá. Dự báo, với mức điều chỉnh 2 – 4% và biên độ dao động 1% được giữ đến cuối năm 2014, tỷ giá VND/USD sẽ vào khoảng 21.400-22.000 đồng/USD. Từ cơ sở dự báo này họ kiến nghị NHNN xem xét xây dựng các kịch bản điều hành tỷ giá và biên độ giảm giá đồng Việt Nam phù hợp với diễn biến của cán cân thương mại trong nước và tình hình kinh tế thế giới.

Nhóm nghiên cứu của BIDV đã được thành lập vài năm nay. Có những đánh giá trái chiều về các bản báo cáo này của BIDV, nhất là phần kiến nghị, đề xuất. Nhưng những con số, thông tin họ đưa ra khá tin cậy. Ngay sau bản báo cáo này của BIDV, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đưa ra báo cáo tình hình kinh tế 11 tháng, trong đó đề cập tới việc nên có chính sách tỷ giá “linh hoạt hơn” trong năm 2014.

Ủy ban này cho rằng tỷ giá cần hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Do đó, NHNN “nên tính toán một – giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007-2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới”. Tuy nhiên, đây chỉ là những tác động đẩy sóng tỷ giá lên, chứ nguồn cơn sâu xa khiến tỷ giá biến động lại đến từ việc “tát nước theo mưa” của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Trong năm 2013, sau 1,5 năm duy trì tỷ giá bình quân liên ngân hàng ổn định ở mức 20.828 đồng/USD, tháng 6/2013 NHNN mới điều chỉnh tăng 1% lên mức 21.036 đồng/USD. Tại thời điểm đó, mặc dù cung – cầu trên thị trường vẫn bình thường, nhưng tỷ giá đã có đợt biến động nhẹ. Sự biến động này bắt nguồn từ chính các NHTM đã đẩy tỷ giá tăng để tạo sóng trên thị trường nhân dịp NHNN điều chỉnh tỷ giá. Lần này, chắc chắn NHNN sẽ có biện pháp chấn chỉnh mạnh hơn đối với những NHTM cố tình gây bất ổn thị trường.

Một minh chứng dễ nhận thấy, trong khi giá vàng rớt thê thảm thì tỷ giá lại tăng (mà thông thường giá đôla Mỹ và giá vàng cùng nhịp điệu). Trên thị trường liên ngân hàng, giao dịch qua đêm trong tuần cuối tháng 11/2013 đã có chút biến động. Lãi suất giao dịch bình quân kỳ hạn qua đêm ở mức 0,20%; kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng đều là 0,36%, tăng nhẹ (0,02%/năm). Trong khi lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 0,51%, tăng 0,21%/năm so với tuần trước đó. Điều đáng ngạc nhiên là bảng niêm yết tỷ giá trong ngân hàng theo xu hướng tăng, nhưng ngoài thị trường tự do lại giảm.

Trên thị trường tự do, giá đôla Mỹ giảm liên tục. Giá bán đôla Mỹ ngày 6/12 xuống còn 21.190 đồng/USD, giảm 10 đến 20 đồng so với vài ngày trước. Chiều mua còn 21.160 đồng/USD. Điều này hoàn toàn khác với trước đây. Khi tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh, giá niêm yết trong ngân hàng sẽ tăng theo (với mức tăng chậm hơn). Nhưng nếu thị trường căng thẳng, NHNN sẽ lập tức can thiệp và giá niêm yết trong NHTM sẽ xuống thấp, để kéo tỷ giá ngoài thị trường tự do xuống. Đó là “kịch bản” thường diễn ra mỗi khi tỷ giá biến động. Nhưng giờ tình thế đã khác.

NHNN: người quyết định cuối cùng

Trước hiện tượng tăng giá đôla Mỹ mà NHNN cho rằng chỉ vì tâm lý, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có cuộc họp báo siêu ngắn trưa ngày 6/12 chỉ để phát ra thông báo khẳng định: NHNN không điều chỉnh tỷ giá trong những ngày còn lại của năm 2013. NHNN cũng gián tiếp chỉ trích Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. “Diễn biến tỷ giá trong vài ngày gần đây chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý, kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá do tác động từ những nhận định, đánh giá về điều hành tỷ giá tại bản báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô tháng 11 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia”, lãnh đạo NHNN nói.

Trước đây đã có câu hỏi: tại sao NHNN giữ tỷ giá cố định lâu như vậy? Lãnh đạo NHNN đã khẳng định: Điều hành tỷ giá của NHNN ổn định chứ không cố định. Về quan điểm điều hành tỷ giá, ông Võ trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương cho rằng: sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá phải bao hàm hai nghĩa: Một là để dư địa tỷ giá có thể biến động tương đối theo thị trường. Hai là, hiện chúng ta chưa chủ trương thả nổi tỷ giá thì cần có sự linh hoạt trong điều hành, có phối hợp chính sách tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất, theo ông Thành, cần có thông điệp thị trường là cam kết về ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với minh bạch thông tin, số liệu để người ta tin là biến động thị trường vẫn nằm trong kiểm soát…

Thực tế, từ cuối năm 2011 đến nay, tỷ giá đã cơ bản ổn định, tình trạng đô la hóa đã giảm mạnh. Tỷ lệ giữa tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm từ trên 30% trong những năm 1990 xuống 15,8% cuối năm 2011 và xuống khoảng 12,3% cuối năm 2012; và đến cuối tháng 8/2013 còn khoảng 12%. NHNN khẳng định, thời gian qua đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

NHNN mới chính là cơ quan quyết định chính sách điều hành tỷ giá. Và mục tiêu ưu tiên của NHNN vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Những tác động, dù chỉ gây biến động tầm vi mô, nhưng cũng là không tốt cho điều hành chính sách. Có lẽ đây chính là lúc NHNN cần có những hành động quyết liệt hơn để khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình trong điều hành chính sách tiền tệ.

Theo Thái Thanh
DĐDN

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *