Thời sự 14/12/2018 14:11

Điện mặt trời phát triển "nóng", Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giải trình

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo về việc phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời. 

Theo đó, lo ngại của Chính phủ là việc bổ sung lượng lớn dự án điện mặt trời vào quy hoạch dẫn tới nguy cơ quá tải hệ thống truyền tải hiện có nếu số dự án này vào vận hành.

Bộ Công Thương báo cáo về quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng cơ cấu nguồn và kế hoạch phát triển lưới điện truyền tải, trước ngày 15/12.

Lo ngại điện mặt trời phát triển ngoài quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giải trình

Lo ngại điện mặt trời phát triển ngoài quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giải trình

Bộ này cũng phải báo cáo Thủ tướng về tình hình và giải pháp xử lý tình trạng quá tải các dự án điện mặt trời đã đăng ký, đã được phê duyệt trước 20/12.

"Không được để khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện phát triển, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của Nhà nước – nhà đầu tư – người dân", Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ thị.

Sau Quyết định 11/2017 cơ chế giá cho điện mặt trời đã được cởi trói, các dự án điện mặt trời trên cả nước được phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch tăng nhanh chóng.

Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 9/2018, có hơn 120 dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện quốc gia. Đến năm 2020, tổng công suất phát điện là hơn 6.100 MW và đạt 7.200 MW vào năm 2030.

Trong số hơn 120 dự án, có 25 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 70 dự án thẩm định thiết kế cơ sở.

Hiện cả nước vẫn còn lượng lớn hơn 221 dự án điện mặt trời đang xếp hàng chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13.000 MW.

Theo Bộ Công Thương, tổng công suất đăng ký đầu tư loại hình này đã lên tới 26.000 MW, chiếm khoảng 60% tổng công suất các nguồn điện cả nước (hơn 47.000 MW).

Như vậy, tổng công suất các dự án điện mặt trời đã vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời 850 MW và tăng lên 4.000 MW sau đó 5 năm.

Hiện, các dự án điện mặt trời chủ yếu phân bố ở khu vực miền Trung đổ vào phía Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long cần hệ thống truyền tải phù hợp và có tính toán, nếu không sẽ dẫn đến quá tải hệ thống truyền tải hoặc nguy cơ các nhà máy điện mặt trời không thể bán điện cho hệ thống do năng lực truyền tải hạn chế.

Bên cạnh đó, điện mặt trời hiện nay có mức giá bán cạnh tranh nên dễ dẫn đến nguy cơ bùng nổ những cuộc đua đầu tư nhiệt điện mặt trời của nhiều nhà đầu tư không có kinh nghiệm hoặc không chất lượng dẫn đến thiếu quy hoạch.

An Linh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *