Thời sự 12/07/2015 07:06

ĐHCĐ bất thường của Sacombank: Hoàn tất thủ tục sáp nhập với SouthernBank trong quý 4 năm 2015

Ngày 11.5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (HOSE: STB) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và các cổ đông đã thông qua giao dịch sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam – SouthernBank (PNB). Dự kiến trong quý 4.2015 sẽ hoàn tất thủ tục sáp nhập.

Tại Đại hội, STB trình cổ đông thông qua tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:0,75, theo đó 1 CP PNB sẽ đổi lấy 0,75 CP STB. Đồng thời, 1 CP của cổ đông cũ STB sẽ nhận thêm 0,387 CP STB bao gồm cổ phiếu nhận thêm từ tỷ lệ chuyển đổi CP PNB (,.087 cp), trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận 2013, trả cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế 2014, thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ và thặng dư vốn cổ phần. Dự kiến ngân hàng sau sáp nhập sẽ đăng ký vốn điều lệ mới là 18.853 tỷ đồng.

Cũng tại đại hội, những vấn đề nội tại đang khiến cổ đông lo lắng đã được công bố một cách minh bạch. Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra NHNN ngày 22/04/2013 tại thời điểm ngày 30/06/2012, có một số điểm đáng chú ý. Cụ thể, tổng nợ xấu của PNB là 18.786 tỷ đồng, do đó phải trích lập bổ sung dự phòng rủi ro tín dụng nên có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh. PNB đã chủ động giải quyết như sau: thu hồi vốn 9.188 tỷ đồng đối với các khoản vay bị phân loại vào nhóm nợ xấu, đã bán nợ cho VAMC 1.444 tỷ đồng trong năm 2013 (bán tiếp cho VAMC hơn 600 tỷ trong tháng 12/2014), cơ cấu lại nợ 6.768 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh các vấn đề trên, tình hình nợ xấu tại PNB tại thời điểm 31/12/2014 còn 4.361 tỷ đồng.

Về khoản lãi và phí phải thu, đây là số dư lãi dự thu, PNB đã ghi nhận vào thu nhập trong bảng kết quả kinh doanh nhưng thực tế chưa thu khách hàng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh nhiều năm qua bị âm tác động rất nhiều đến thanh khoản ngân hàng. Nếu phải thoái khoản thu nhập từ nguồn lãi dự thu này, kết quả kinh doanh của STB sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Trong trường hợp các chỉ số trên thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra NHNN thì tỷ lệ an toàn vốn tổi thiểu sẽ không đảm bảo theo quy định vì vốn tự có có thể bị âm nếu ghi nhận các khoản chi phí do tăng trích lập chi phí dự phòng và xuất toán các khoản thu nhập với lãi dự thu. Các tỷ lệ về đầu tư cấp vốn cũng sẽ bị vướng vì có khả năng chưa tuân thủ theo quy định của NHNN. Do đó PNB sẽ phải tăng vốn hoặc sáp nhập với TCTD khác để đảm bảo an toàn hoạt động.

Phát biểu tại đại hội, ông Kiều Hữu Dũng – Chủ tịch HĐQT STB chia sẻ thêm trong 3 năm sẽ xử lý dứt điểm các vấn đề mà ngân hàng sau sáp nhập gặp phải (có thể kéo dài thêm 1-2 năm tùy tình hình nền kinh tế). Đồng thời Ban lãnh đạo STB cam kết sau sáp nhập sẽ hoạt động quản trị minh bạch.

Theo kế hoạch, NHSN có tổng tài sản hơn 290.861 tỷ đồng trong năm 2015, mạng lưới hoạt động gồm 567 điểm giao dịch trên cả nước, Campuchia, Lào và tổng số cán bộ công nhân viên là 15.510 người. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng sau sáp nhập theo kế hoạch là 5.128 tỷ và lợi nhuận sau thuế 782 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu 3%. Tỷ lệ trả cổ tức từ 2015-2017 dự kiến là 3%/năm. Dự kiến thủ tục sáp nhập hoàn tất vào quý 4/2015. 

Ông Lê Hùng Dũng – đại diện Eximbank chia sẻ tại Đại hội STB rằng phương án sáp nhập là tương đối thỏa đáng. Đây không phải là cuộc trao đổi lạnh lùng tính toán về số lượng cổ phiếu, mà bên nhận sáp nhập sẽ nhận toàn bộ tài sản, nhân sự của bên bị sáp nhập. Việc sáp nhập sẽ giúp hình thành ngân hàng mới mà trong 3-5 năm tới không có ngân hàng nào trong top 5 (nhóm kế sau top 4 các Ngân hàng TMCP Nhà nước) vượt quá quy mô này. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyết đã cho phép. HĐQT Ngân hàng đã có Nghị quyết ủng hộ chủ trương sáp nhập của STB là có cơ sở.

Theo B.Chương

Lao động

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *