Thời sự 12/03/2018 12:56

Dệt may và da giày hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặt ra nhiều yêu cầu rất cao đối với các thành viên, đặc biệt là cắt giảm thuế quan. Trong số 11 đối tác trong TPP thì chỉ còn Mỹ, Mexico, Canada và Peru là Việt Nam chưa ký kết FTA.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam, nên khi Mỹ không tham gia TPP, Việt Nam sẽ bị giảm lợi ích rất lớn từ hiệp định này. Nhưng nếu biết tận dụng lợi thế thì Việt Nam vẫn có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường CPTPP.

Hiện tại, Việt Nam mới tập trung xuất khẩu vào 4/10 thị trường CPTPP, thu hút đầu tư nước ngoài từ 4/10 quốc gia trong CPTPP (Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Canada). Vì vậy, CPTPP sẽ tạo điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế tập trung xuất khẩu vào một số ít thị trường.

Do không nhìn thấy lợi ích đem lại từ WTO, một số quốc gia đã thành lập thêm sân chơi riêng trên cơ sở cùng nhau ký FTA trong khối.

Thương mại toàn cầu phát triển mạnh mẽ, FTA trong nội khối không đem lại nhiều lợi ích cho từng thành viên, nên các quốc gia trong khối cùng nhau ký kết FTA với các đối tác thương mại lớn và từng quốc gia lại ký kết FTA riêng với đối tác thương mại lớn.

Ngoài CPTPP vừa được ký kết, hiện tại, Việt Nam đang đàm phán thêm 5 FTA khác. Vì sao Việt Nam tham gia nhiều FTA? Vì nếu không tham gia, chắc chắn hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài - động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm sẽ bị tác động tiêu cực. Vì các nước ký kết FTA với nhau, nên tập trung giao thương, đầu tư với nhau, thay vì làm ăn với các nước không tham gia sân chơi của họ.

Khi tham gia CPTPP, chăn nuôi và chế biến thực phẩm sẽ là ngành bị tác động mạnh nhất vì sức cạnh tranh của khu vực này rất yếu. Tôi cho rằng, nếu không tích cực tái cơ cấu, Việt Nam khó có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, thực phẩm chế biến vào thị trường CPTPP.

Tham gia CPTPP, ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm bị cạnh tranh khốc liệt hơn, nhưng đây cũng là động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu 2 ngành này.

Ngành dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm bị tác động không nhiều vì các cam kết mở cửa trong CPTPP không quá lớn so với cam kết trong WTO.

Trong khi đó, dệt may và da giày được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may và da giày sau khi CPTPP có hiệu lực dự báo tăng thêm 8,3 - 10,8%. Hàng dệt may và da giày hiện được bảo hộ khá cao ở châu Mỹ, nên sau khi cắt giảm thuế quan thông qua CPTPP, sức cạnh tranh của các sản phẩm này của Việt Nam sẽ nâng lên đáng kể.

Để khai thác tốt lợi ích đem lại từ các FTA, phải đẩy mạnh đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp phải chủ động hội nhập, thay đổi quản trị điều hành… 10 FTA Việt Nam đã ký kết cũng có nhiều quy định, nhưng không bắt buộc phải thực hiện triệt để, nên doanh nghiệp mới tận dụng được khoảng 37% lợi ích mang lại từ việc thực thi các cam kết.

CPTPP yêu cầu rất cao đối với thành viên trong việc tuân thủ “ngay và luôn” các cam kết và Việt Nam đã tham gia vào sân chơi này, nên buộc phải thực hiện cam kết liên quan đến xuất xứ hàng hóa, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ… Đây chính là động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế.

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *