Thời sự 10/06/2015 10:55

Đến thời “lãi suất không còn là vấn đề”?

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG), lãi suất đang chịu sức ép tăng trong những tháng cuối năm. Lãi suất huy động vài ngày qua cũng rục rịch tăng khiến cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm 1-1,5% trong năm nay là một dấu hỏi.

Có sức ép

Trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015, UBGSTCQG nhận định, lãi suất đang chịu sức ép do huy động của hệ thống TCTD tăng chậm hơn cho vay.

Cụ thể, tính đến 31-3-2015 tổng huy động chỉ đạt 4.557 nghìn tỷ đồng, tăng 0,98% so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động bằng VND tăng 1,9%, bằng ngoại tệ giảm 4,9%. Trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm, cho vay bằng VNĐ tăng 2,4%, cho vay bằng ngoại tệ giảm 0,9%. Tăng trưởng huy động thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khá đã làm tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhẹ lên 84%, cao hơn mức 83% tại thời điểm tháng 12-2014. Đáng chú ý là tỷ lệ cho vay/huy động ngoại tệ là 87%, cao hơn hẳn mức 83,4% của cuối năm 2014, nguyên nhân do huy động tiền gửi ngoại tệ giảm 4,94% so với cuối năm 2014.

Cùng với những dự báo của UBGSTCQG, thì một số ngân hàng đã có động thái tăng nhẹ lãi suất huy động các kỳ hạn. Nói về xu hướng này, PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, đây chỉ là hiện tượng ngắn hạn, không có cơ sở cho việc tăng lãi suất trong giai đoạn hiện nay, vì lạm phát rất thấp, mà lạm phát là gốc của lãi suất. Ông khẳng định: NHNN sẽ có biện pháp can thiệp. Các công bố, chính sách gần đây của NHNN đều theo hướng điều chỉnh giảm, như là cho vay hỗ trợ cho sinh viên, hỗ trợ cho XNK…

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Hải quan, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, năm ngoái, lạm phát cả năm chỉ đạt 1,86% nhưng năm nay, chủ trương của Quốc hội là điều hành định hướng lạm phát khoảng 5%, mà lạm phát cao lên thì lãi suất tăng lên là tất yếu.

Cũng theo ông Kiêm, việc NHNN quyết định sử dụng nốt 1% mức điều chỉnh tỷ giá còn lại của năm nay giữa VND và đồng USD được đánh giá là phù hợp, đúng thời điểm. Nhưng từ đây cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Trước hết là lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Việc NHNN giảm trần lãi suất huy động ngoại tệ về 0,75%/năm đã khiến lượng ngoại tệ gửi vào ngân hàng thương mại giảm sút đáng kể. Trong khi đó, lãi suất tiền đồng tuy giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi bằng USD.

“Hiện thị trường chứng khoán và bất động sản đã bắt đầu khởi sắc trở lại, sẽ hút một lượng vốn. Do đó, các ngân hàng có thể sẽ tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài bởi từ tháng 2-2015, NHNN đã cho phép các ngân hàng sử dụng đến 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn”- TS. Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Cần phân loại DN

Đưa vấn đề này trao đổi với đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý, cũng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương, ông Quý cho rằng, đứng ở góc độ DN thì DN luôn muốn vay thấp, nhưng phải cân đối trên tổng thể kinh tế vĩ mô. Hiện nay dư địa tỷ giá 2% cho cả năm đã sử dụng hết rồi, trong khi đó tỷ giá không phải do mình làm chủ mà do kinh tế thế giới, do Cục Dự trữ liên bang mỹ (FED) tăng lãi suất. Do đó chúng ta phải cân đối bài toán tổng thể cho cả các DN XNK. 

Theo phân tích của ông Cao Sỹ Kiêm, hiện nay Việt Nam đang tiến tới lãi suất thị trường nên cần phân loại DN. Với những đối tượng chính sách thì vẫn cần có cơ chế hỗ trợ, nhưng đối với DN đang cần có vốn để chớp thời cơ kinh doanh, dù lãi suất cao hơn một chút mà được đáp ứng vốn ngay thì lợi nhuận làm ra nhiều khi còn cao hơn lãi suất. Khi đó lãi suất không còn là vấn đề nữa.

Kiến nghị về vấn đề vốn, PGS. TS Trần Hoàng Ngân đề nghị, Chính phủ cần xây dựng một gói hỗ trợ vốn vay trung và dài hạn với lãi suất thấp để DN đầu tư công nghệ thiết bị. “Chỉ khi tiếp cận được với nguồn vốn vay thấp, DN mới đủ lực để đầu tư thỏa đáng cho công nghệ, kỹ thuật”- ông Ngân nói.

Từ tuần cuối tháng 5, một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất trước áp lực đồng USD mạnh lên.

Hiện nay, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 đến 36 tháng tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đều được điều chỉnh tăng 0,2%. Cụ thể, lãi suất huy động cao nhất là 6,7% khi khách gửi 36 tháng. Các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng lần lượt là 6,2% và 6,5%/năm.

Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank) cũng vừa tăng nhẹ lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn. Lãi suất niêm yết cao nhất của ngân hàng này hiện là 6,9% với kỳ hạn 36 tháng. Các mốc thấp hơn là kỳ hạn 24 tháng, 18 tháng, tương ứng 6,7% và 6,6%.

Theo An Tư
Báo Hải quan
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *