Thời sự 03/11/2013 09:09

Đề xuất tăng thu phần cổ tức của DNNN chưa chuyển giao về SCIC

FICA - “Để đảm bảo dự toán chi năm 2013, Chính phủ đề xuất tăng bội chi cũng như là tăng thu phần cổ tức của doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển giao về SCIC để bù đắp chi theo dự toán năm 2013”, Bộ trưởng Dũng nói.

Hụt thu do xây dựng dự toán quá cao

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Thu cân đối ngân sách Nhà nước năm nay dự kiến hụt 63.630 tỷ đồng so với dự toán.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nguyên nhân gây hụt thu lớn nhất phải kể đến là do dự toán nắm 2013 xây dựng cao so với khả năng thực hiện, với dự toán thu nội địa từ đất dự kiến tăng 14,4%, dự toán xuất nhập khẩu tăng 10% so với ước thực hiện năm 2012.

Tuy nhiên, do kết quả thu ngân sách năm 2012 giảm lớn so với ước thực hiện, thu nội địa giảm 18 nghìn tỷ đồng, thu cân đối xuất nhập khẩu giảm 18.200 tỷ đồng nên dự toán thu nội địa từ đất và thu xuất nhập khẩu năm 2013 đều tăng xấp xỉ 20% so với thực hiện năm 2012 là mức quá cao so với khả năng kinh tế.

Cùng với đó, năm 2013 chúng ta thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế thì tuy có cao hơn năm 2012 nhưng chưa đạt kế hoạch; hoạt động sản xuất kinh doanh cho dù sản phẩm của các doanh nghiệp cùng nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng tới nguồn thu.

Bên cạnh đó, theo thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc hoàn thiện thể chế chính sách về thu ngân sách thì còn có chỗ chưa chặt chẽ; việc quản lý điều hành cũng có lúc chưa hiệu quả cho nên một số đối tượng đã lợi dụng, gian lận và trốn lậu thuế.

Từ các nguyên nhân trên, Chính phủ đánh giá thu nội địa từ đất tăng 9,2%, kể cả thuế được miễn, giảm, giãn, tăng 11,4% phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Thu xuất nhập khẩu tăng 9,2% so với thực hiện năm 2012 là phù hợp với diễn biến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có thuế.

“Để đảm bảo dự toán chi năm 2013, Chính phủ đề xuất tăng bội chi cũng như là tăng thu phần cổ tức của doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển giao về SCIC để bù đắp chi theo dự toán năm 2013”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Nợ đọng thuế lớn

Đề cập tới vấn đề nợ đọng thuế và giải pháp xử lý, Bộ trưởng thừa nhận đúng như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu, cơ chế chính sách và công tác quản lý thu thời gian qua vẫn còn những điểm chưa chặt chẽ cùng với công tác chỉ đạo điều hành có mặt còn hạn chế dẫn đến tình trạng một số đối tượng lợi dụng gian lậu và trốn nợ thuế.

Dù ngành tài chính đã tích cực hoàn thiện cơ chế phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương đôn đốc thu hồi nợ đọng, nhưng thực tế số nợ đọng thuế vẫn cao. Nguyên nhân thứ nhất theo Bộ trưởng Dũng là do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn dẫn đến một số doanh nghiệp không chấp hành nghiêm nghĩa vụ nộp thuế, một số còn nợ thuế nhưng đã chết, mất tích, phá sản, chưa làm đầy đủ các thủ tục theo quy định nên chưa có đủ cơ sở xem xét xóa nợ thuế.

Nguyên nhân thứ hai là do cơ chế chính sách và công tác quản lý thu thời gian vừa qua cũng còn có điểm chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng một số đối tượng cố tình chiếm dụng tiền thuế của nhà nước. Thời gian vừa qua Chính phủ đã nhận thức rõ tình hình này và đang chỉ đạo ngành tài chính và các ngành, các cấp triển khai quyết liệt các giải pháp để thu hồi nợ đọng thuế.

Riêng ngành thuế, 9 tháng đầu năm 2013 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 43.654 doanh nghiệp, thu vào ngân sách nhà nước 8.916 tỷ đồng, qua kiểm tra đã giảm lỗ 7.970 tỷ đồng, đã thanh tra, kiểm tra 1.223 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt, hoàn thuế 481 tỷ đồng và giảm lỗ 1.697 tỷ đồng.

Về nợ hoàn thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng cho biết: Tỷ lệ chi hoàn thuế giá trị gia tăng so với tổng số thu thuế giá trị gia tăng giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 25%; tỷ lệ này tăng lên khoảng 30% trong 2 năm nay. Đó là do chính sách giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với một số mặt hàng như giấy, xi măng, gạch, ngói, sắt, thép, sợi, vải và sản phẩm may mặc và sản phẩm da giày để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp làm tăng số thuế giá trị gia tăng phải hoàn.

Việc hàng tồn kho cao cũng làm tăng số thuế phải hoàn cho các trường hợp trong 3 tháng liên tục có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa khấu trừ hết. Bên cạnh đó, một bộ phận người nộp thuế đã lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước để thành lập doanh nghiệp, cơ chế tự kê khai từ nộp thuế, tự in hóa đơn để gian lận chiếm đoạt hoàn thuế.

“Để chấn chỉnh tình trạng này, vừa qua Chính phủ đã trình với Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014; trong đó nâng điều kiện hoàn thuế đối với các trường hợp có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong 3 tháng liên tục như hiện nay lên 12 tháng liên tục, khi đó tình trạng gian lận và nhu cầu hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ giảm mạnh”, Bộ trưởng tin tưởng nói.

Theo số liệu do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cung cấp, từ tháng 6 đến 30/10 năm nay, ngành tài chính đã thực hiện 85 cuộc thanh tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Tại Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã xử lý, truy thu, truy hoàn được 180 tỷ đồng, chuyển 32 hồ sơ doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan công an. 

Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 17 doanh nghiệp, bắt giữ 22 đối tượng vi phạm, trong đó có một số vụ việc lớn nổi cộm như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Lộc (Đồng Nai) liên quan đến buôn bán cà phê, nông sản,;Công ty Hà Vũ Phát, Công ty Trường Phát Lộc, Công ty Tân Kim Lợi (An Giang) có dấu hiệu hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa qua biên giới Campuchia trái phép.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *