Thời sự 30/08/2018 07:46

Đề xuất lập quỹ tái sinh môi trường để thu phí 100.000 đồng mỗi tấn phế liệu

Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) trong văn bản mới đây gửi các bộ ngành liên quan đã đề nghị sửa đổi một loạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu, đồng thời thành lập “Quỹ tái sinh môi trường” để thu phí doanh nghiệp.


Các doanh nghiệp ngành nhựa liên tiếp đưa ra các đề xuất, kiến nghị mới về nhập khẩu phế liệu (Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp ngành nhựa liên tiếp đưa ra các đề xuất, kiến nghị mới về nhập khẩu phế liệu (Ảnh minh họa)

Mức phí mà Hiệp hội đề xuất thu đối với các nhà nhập khẩu dự kiến vào khoảng 50.000 đồng/tấn đến 100.000 đồng/tấn. Với mức thu này, mỗi năm, quỹ có thể thu được từ 500 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng.

Số tiền này được sử dụng cho các hạng mục gồm: Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải cho các làng nghề tái chế; tuyên truyền và hỗ trợ phân loại rác thải tại nguồn; Tiêu huỷ các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn (nếu có) và tăng cường thanh tra việc chấp hành pháp luật về môi trường các nhà máy tái chế.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quy hoạch các nhà máy sản xuất hạt nhựa tái sinh mới thành lập vào cụm công nghiệp hoặc khu công nghiệp; Ban hành cơ chế xây dựng hình thành 3 khu công nghiệp Bắc – Trung – Nam chuyên tái chế nhựa phế liệu, với tên gọi “Khu công nghiệp Nghiên cứu Khoa học và Sản xuất nhựa tái sinh”.

Hiện tại giá thành phẩm nguyên liệu nhựa tái sinh sau khi được nhập khẩu để tái chế luôn có mức chi phí thấp hơn hạt nhựa nguyên sinh cùng loại, mức cách biệt này từ 25% -30% thậm chí là 40%. Và trong cơ cấu giá thành của hầu hết các sản phẩm nhựa thì chi phí nguyên liệu nhựa chiếm 60-70%.

“Với vai trò đại diện ngành nghề, hiệp hội chúng tôi luôn mong muốn và khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng nguồn phế liệu trong nước để tài chế và tái sưe dụng”, Hiệp hội nhấn mạnh và cho rằng bối cảnh Việt Nam vẫn thiếu nguyên liệu nên việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu tái chế là cần thiết.

Cùng với đề xuất thành lập quỹ và các cụm công nghiệp tái chế nhựa, VPA cũng đề xuất sửa đổi và bổ sung 17 điểm trong danh mục nhập khẩu phế liệu nhựa và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, với lý do để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Theo Hiệp hội, ngành nhựa là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao nhất Việt Nam. Trong 10 năm qua, với mức tăng trưởng 15-20% mỗi năm nhưng phải nhập khẩu đến 80% lượng nguyên liệu. Năm 2017, ngành nhựa phải nhập khẩu tới 4,9 triệu tấn hạt nhựa, tổng kim ngạch nhập khẩu hạt nhựa và các sản phẩm nhựa đạt 1,68 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 2,5 tỷ USD. Trong năm 2017, tổng doanh thu ngành nhựa đạt khoảng 15 tỷ đôla Mỹ.

Căn cứ vào nhu cầu về nguyên liệu của toàn ngành trong thời gian qua, VPA dự kiến nhu cầu hạt nhựa được tính toán với tốc độ tăng trưởng luỹ kế hàng năm đạt 10% trong giai đoạn năm 2018-2023, thì đến năm 2023 ngành nhựa cần khoảng 10 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Trong số đó, Việt Nam có thể sản xuất được 2,6 triệu tấn, đáp ứng 26% số còn lại 7,4 triệu tấn, ngành nhựa cần phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, giải pháp hiệu quả và phù hợp với xu thế tiêu dùng sản phẩm hiện nay là bù đắp một phần bằng các loại nguyên liệu nhựa được tái sinh là hết sức cần thiết.

Cũng theo VPA, từ năm 2013-2017, ngành nhựa Việt Nam nhập khẩu phế liệu trung bình 91.400 tấn/năm, đứng vị trí thứ 4 trong 10 nước ASEAN với mức cách biệt về sản lượng nhập khẩu ít nhất gấp 4 lần so với các quốc gia thuộc top 3 khu vực gồm Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

H.Anh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *