Thời sự 30/03/2014 10:24

Đề nghị truy tố 13 bị can trong vụ chiếm đoạt 200 tỉ đồng tại Agribank Bến Thành

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc Bộ Công an vừa chuyển hồ sơ và kết luận điều tra sang Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đề nghị truy tố 13 đối tượng trong vụ án chiếm đoạt tài sản hơn 200 tỉ đồng, xảy ra tại Agribank Bến Thành (TP.HCM).

Cụ thể, Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Hoàng Oanh - nguyên giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Bến Thành cùng 7 thuộc cấp về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 5 bị can khác bị đề nghị truy tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.


Kết luận điều tra cho thấy từ năm 2008 đến năm 2010, bị can Nguyễn Thị Hoàng Oanh và Lê Văn Tính (Giám đốc Công ty TNHH Kim Gia Thảo) đã chủ mưu, với sự giúp sức của bị can Trương Thế Thanh - nguyên trưởng phòng kế hoạch kinh doanh cùng một số cán bộ tín dụng, thủ quỹ và người thân, quen đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt số tài sản 200 tỉ đồng của Agribank Bến Thành


Năm 2008, Oanh với chức trách là giám đốc chi nhánh, biết quy định về cho vay của Agribank là giám đốc không được ký duyệt cho vay đối với bản thân mình (điều 24 trong quyết định 72/QĐ-HĐQT-TD ngày 31.3.2002 về việc cho vay đối với khách hàng trong hệ thống Agribank tại Việt Nam), nên Oanh đã sử dụng tên 7 người quen, thân không có hồ sơ tín dụng để ký duyệt cho vay với số vốn 3.600 chỉ vàng SJC.

Sau đó, bị can sử dụng số vàng đó để mua nhà 225 B- C Trần Quang Khải cho bản thân, rồi lại ký hợp đồng cho chính chi nhánh ngân hàng mình quản lý thuê lại nhà đó nhằm chiếm hưởng số tiền cho thuê nhà là 5.621.268.253 đồng (hơn 5 tỉ đồng).


Đến năm 2009, Hoàng Oanh lại sử dụng pháp nhân Công ty CP vận tải Liên Lục Địa (của em gái và con rể) để vay 22.314 chỉ vàng SJC từ ngân hàng, lấy tên em trai là Nguyễn Minh Được vay 2.494 chỉ vàng SJC để trả nợ cho các khoản vay của bản thân năm 2008. Cho đến nay Oanh còn dư nợ quá hạn tại ngân hàng là 31 tỉ đồng, không có khả năng thanh toán.

Cũng trong năm 2009, khi Lê Văn Tính có nhu cầu vay vốn, với mục đích muốn sử dụng vàng của Tính để trả nợ cho bản thân và chiếm hưởng chênh lệch do quy đổi tỉ giá vàng, sử dụng quyền hạn là giám đốc trong khi nắm rõ quy định về cho vay đối với một khách hàng của chi nhánh không quá 50 tỉ đồng, Oanh đã ép Tính thành lập 5 công ty và phải nhận nợ với ngân hàng là vàng, nhưng thực tế Tính chỉ được nhận tiềng đồng với tỉ giá 19 triệu đồng/lượng. Oanh đã sử dụng vàng của Tính trả nợ ngân hàng cho khoản vay của Công ty Liên Lục Địa và Nguyễn Minh Được.


Thông qua việc này Oanh đã chiếm hưởng của Tính 22,4 tỉ đồng (căn cứ theo mức chênh lệch giá vàng giữa tỉ giá của ngân hàng thông báo hàng ngày và giá vàng Oanh trả cho Tính). Số tiền đó bao gồm: chiếm hưởng từ việc công ty Kim Gia Thuận vay 16.000 chỉ vàng SJC số tiền 2,2 tỉ đồng; chiếm hưởng từ việc công ty Kim Gia Thảo vay 15.000 chỉ vàng SJC số tiền 13,4 tỉ đồng và chiếm hưởng từ việc công ty Quang Phương vay hơn 12.500 chỉ vàng SJC số tiền 8,9 tỉ đồng.


Để có tiền mua lại vàng của Tính, Oanh lại dùng pháp nhân công ty Liên Lục Địa, không có hợp đồng tín dụng nhưng vẫn chỉ đạo giải ngân tổng cộng 44,4 tỉ đồng từ ngân hàng cho Liên Lục Địa, để từ đó trả tiền mua vàng của Tính. Tiếp sau đó, Oanh lại sử dụng pháp nhân công ty Tam Phú, cũng không có hợp đồng tín dụng vẫn duyệt cho vay và giải ngân gần 38 tỉ đồng để sử dụng khoản này trả ngân hàng cho Liên Lục Địa. Đến tháng 12.2010, Oanh lại dùng pháp nhân công ty Liên Lục Địa để duyệt cho vay 37 tỉ đồng, dùng số tiền đó trả nợ cho công ty Tam Phú.


Kết quả điều tra trên đã có cơ sở xác định: Nguyễn Thị Hoàng Oanh đã liên tục lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, thực hiện có hệ thống hành vi trái chức trách nhiệm vụ được giao với động cơ vụ lợi (chiếm hưởng tiền thuê nhà, tiền của Lê Văn Tính).


Ngoài ra, năm 2010, các khoản vay của Lê Văn Tính đến hạn trả nợ nhưng Tính không có tiền trả nợ nên Nguyễn Thị Hoàng Oanh đã thống nhất với Trương Thế Thanh, Cao Bảo Hiếu làm hồ sơ cho Tính vay tiếp để đảo nợ. Tiếp đó, trên cơ sở hồ sơ do Cao Bảo Hiếu làm, được Trương Thế Thanh ký đồng ý cho vay, Nguyễn Thị Hoàng Oanh đã ký hợp đồng tín dụng cho công ty Kim Gia Thuận vay 14.000 chỉ vàng SJC, cho công ty Kim Gia Thảo vay 15.000 chỉ vàng SJC và cho công ty Quang Phương vay 12.500 chỉ vàng SJC để đảo nợ.


Cũng năm đó, vốn đã biết rõ Lê Văn Tính không có năng lực tài chính, các công ty của Tính không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng Oanh vẫn tiếp tục chỉ đạo và ký hợp đồng tín dụng cho công ty Tầm Nhìn Mới vay 8.000 chỉ vàng SJC để đảo nợ và vay 8 tỷ đồng. Ngoài ra, Oanh còn ký cho công ty Thắng Lợi vay 20 tỉ đồng để Tính có tiền trả nợ lãi và một phần nợ gốc. Hậu quả đến nay Lê Văn Tính còn dư nợ hơn 38 tỉ đồng và 56.000 chỉ vàng SJC đến nay không có khả năng trả nợ.


Bị can Nguyễn Thị Hoàng Oanh đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.


Theo Nam Phong

Một thế giới

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *