Thời sự 22/11/2013 16:34

Dấy nỗi lo thiếu vốn cuối năm

Mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng tuần thứ hai liên tiếp dấy lên nỗi lo về nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn, đặc biệt trong bối cảnh cầu vay vốn có thể tăng vọt phục vụ sản xuất kinh doanh trong các tháng cuối năm.

Lãi suất liên tiếp tăng nhiệt

Nối tiếp mức tăng của lãi suất trong tuần tính đến ngày 8/11, thị trường liên ngân hàng (NH) trong tuần tính đến giữa tháng tiếp tục chứng kiến mức tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Số liệu phân tích thị trường của nhiều tổ chức đầu tư đồng loạt cho kết quả, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, tuần đến 1 tháng đều có mức tăng đáng kể so với cuối tuần trước. 

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm dao động ở mức 3,45%/năm (tăng 0,2%), lãi suất kỳ hạn 1 tuần ở mức 4,25%/năm (tăng 0,55%), lãi suất kỳ hạn 2 tuần dao động ở mức 4,6%/năm (tăng 0,6%) và lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 5,3%/năm, tương đương mức tăng 0,3%.

Phản ánh cung cầu vốn cũng như tiềm lực thanh khoản của các NH, diễn biến lãi suất tăng nhiệt tuần thứ hai trên thị trường liên NH đặt ra nghi vấn về một nguồn cầu vốn bất ngờ hoặc một khả năng thiếu hụt vốn cục bộ ở một vài NH. Đặt trong bối cảnh nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thời điểm Tết thường tăng vọt trong các tháng cuối năm, diễn biến trên dễ dẫn đến một liên tưởng về tình trạng căng thẳng nguồn vốn tại các nhà băng ở thời điểm hiện nay.

Song khi lý giải về hiện tượng này, một tổ chức đầu tư đưa nhìn nhận, nguồn cung trên thị trường hạn chế do nhiều NH cần tiền thanh toán một lượng trái phiếu Kho bạc Nhà nước khoảng 3.500 tỉ đồng mới là lý do chính khiến lãi suất liên NH tăng mạnh đột biến trong hai ngày đầu của tuần thứ hai.

Diễn biến vào cuối tuần này lại cho thấy, thanh khoản của hệ thống ổn định trở lại và khá dồi dào trong những ngày tiếp theo tạo tác động lớn khiến mặt bằng lãi suất giảm mạnh vào ngày cuối tuần.

Còn nhìn vào thực tế huy động và cho vay hiện nay, mức tăng trưởng 7,18% của tín dụng đến cuối tháng 10 trong khi huy động vốn đến cùng thời điểm tăng trưởng tới 14,06% sẽ là yếu tố hỗ trợ thanh khoản của hệ thống NH ở trạng thái tích cực trong những tháng cuối năm.

“Chính vì vậy sự căng thẳng về lãi suất có thể xảy ra cục bộ tại một số NH nhỏ vào một số thời điểm nhưng về tổng thể, biến động lãi suất liên NH sẽ không quá đột biến vào thời điểm cuối năm” – tổ chức đầu tư nói trên nhận định. Khả năng thiếu vốn trên bình diện chung dường như cũng được loại bỏ.

Và nỗi lo vốn chảy vào “sân sau”

Loại bỏ nguy cơ thiếu vốn và thực tế mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) cũng như rào cản nợ xấu mới là các yếu tố quyết định con số tăng trưởng cho vay trong thời gian tới.

Khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (Ủy ban GSTCQG) về mối quan hệ giữa DN và NHTM đến cuối năm 2013 cho thấy, có đến 50% số DN cho rằng họ vẫn khó khăn hoặc rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ các NHTM. Dù rằng tỉ lệ này có được mức giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2012, vốn có đến 63,5% số DN than rằng rất khó tiếp cận vốn vay NH.

Dẫn số liệu trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà của Ủy ban GSTCQG cũng cho biết, vướng mắc nợ xấu tại các TCTD chưa trả được là rào cản lớn đối với DN trong việc tìm kiếm nguồn vốn khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và có tới 40% các DN gặp khó khăn này.

Đây cũng là hạng mục khó khăn thứ ba khi tiếp cận vốn vay sau tài sản đảm bảo và chứng minh năng lực tài chính. Chính vì vậy, các giải pháp xử lý nợ xấu và giảm rào cản về điều kiện tín dụng mà NHNN đang thực hiện, dù chưa thể phát huy hiệu quả ngay do độ trễ của chính sách, được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn của các NHTM.

Song theo nhìn nhận của người đến từ Ủy ban GSTCQG, các giải pháp trên đây của NHNN chỉ hiệu quả và phát huy tác dụng tích cực nếu quản trị DN và quản trị rủi ro của các NHTM được cải thiện và tuân thủ theo các chuẩn mực đề ra của NHNN.

Hệ thống giám sát cũng phải giám sát được các hoạt động của NHTM, tránh tình trạng cơ cấu lại nợ và lách chính sách cho các DN “sân sau” cũng như các “nhóm lợi ích” được tạo ra bởi tình trạng sở hữu chéo. “Bởi khi đó, dòng vốn tín dụng có nguy cơ không chảy vào nền kinh tế thực” – bà Ngọc Hà đưa ý kiến.

Theo Văn Nguyễn
Lao động

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *