Đầu tư 11/04/2014 15:48

“Không khó giải thích tài sản lãnh đạo thanh tra”

“Bố làm thanh tra nhưng có vợ con kinh doanh, thì tài sản đó cũng hoàn toàn dễ hiểu”. Đó là khẳng định của Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng sáng 11/4, trước nhiều câu hỏi của báo giới liên quan đến thông tin một số cán bộ lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có khối tài sản được cho là lớn bất thường.

“Không khó giải thích tài sản lãnh đạo thanh tra”

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh (bên trái), người đồng chủ trì cuộc họp báo sáng 11/4. Ông cũng là người được cho là có khối tài sản khá lớn so với thu nhập của một cán bộ Nhà nước.

“Chưa thấy chỗ nào không minh bạch”

Nói về thu nhập của một cán bộ thanh tra, ông Lượng cho hay, thanh tra viên cũng là công chức nên thu nhập phải dưa trên thang bảng lương nhà nước quy định cộng với một số khoản phụ cấp đặc thù công việc.

Tuy nhiên, trước thắc mắc của dư luận “nếu hưởng lương nhà nước sao lại nhiều tài sản thế”, ông Lượng cho rằng cũng không khó để giải thích vì tài sản của mọi cán bộ, công chức hay người dân nói chung không chỉ do thu nhập của chính người đó mà còn của các thành viên trong gia đình.

“Bố làm thanh tra nhưng có vợ con kinh doanh thì tài sản đó cũng hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta không gắn thu nhập cụ thể của một người với khối tài sản mà người ta phải kê khai, bởi theo pháp luật thì cán bộ phải kê khai tài sản của minh lẫn vợ, chồng và con chưa thành niên”, Phó tổng thanh tra khẳng định.

Liên quan đến việc minh bạch tài sản của hai cán bộ lãnh đạo Thanh tra Chính phủ mà báo chí đăng tải trong thời gian qua, ông Lượng cho biết, đến thời điểm này Thanh tra Chính phủ “chưa thấy chỗ nào khẳng định tài sản của hai cán bộ này là không minh bạch”.

Theo ông, có trường hợp đã được kiểm tra và có kết luận, trong đó tài sản thực tế và tài sản kê khai là khớp đúng, nên không thể nói là không minh bạch được. Hơn nữa, với nhiều cá nhân có chức vụ thì không phải chỉ kê khai một lần mà phải kê khai hàng năm.

Vị Phó tổng thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh, khái niệm minh bạch phải hiểu theo quy định của pháp luật hiện hành, chứ không thể nói không rõ nguồn gốc mà kết luận là "không minh bạch".

Bởi lẽ, theo ông Lượng, trước khi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi 2012 có hiệu lực thì pháp luật không có nhiều quy định chi tiết về nội dung này. Đến khi Luật sửa đổi được thông qua, khi đó mới có chế định quy định cán bộ phải giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm chứ không phải giải trình nguồn gốc tất cả các tài sản trước đây.

Bổ nhiệm hàng loạt là “trái quy định”


Liên quan đến việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cấp vụ, cấp phòng vào năm 2011 của Thanh tra Chính phủ được cho là trái quy định, Phó tổng thanh tra Trần Đức Lượng cho hay, do đặc thù của công tác thanh tra, nên nhiều cán bộ có năng lực, kinh nghiệm nhưng tuổi đã vượt quá quy định nên không thể bổ nhiệm được. Do đó năm 2010, cơ quan này đã ban hành quy chế về các điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm hàm cấp vụ.

Trên cơ sở quy chế đó, 8 tháng đầu năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã bổ nhiệm 23 cán bộ hàm cấp vụ để đáp ứng chính sách với cán bộ đã có quá trình công tác, đồng thời nhằm xác lập địa vị pháp lý thuận lợi trong thực thi công vụ vì đối tượng của Thanh tra Chính phủ chủ yếu là các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành.

Ngoài 23 cán bộ trên, cơ quan này cũng bổ nhiệm khoảng 30 cán bộ cán bộ để chuẩn bị cho 3 đơn vị mới của Thanh tra Chính phủ, đã làm cho con số cán bộ được bổ nhiệm trong 8 tháng đầu năm 2011 đội lên bất thường.

Tuy nhiên, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận, nếu so với quy định của Chính phủ thì việc bổ nhiệm như vậy là trái với quy định vì Chính phủ chỉ cho phép cấp vụ chỉ được tối đa 3 cấp phó, nhưng thực tế có vụ đã lên tới 4, thậm chí có cục 5 cấp phó.

Ông Lượng cho hay, sau khi được bổ nhiệm, có một vài trường hợp chưa đảm bảo điều kiện về thời gian công tác, chứng chỉ, cá biệt có trường hợp sau khi bổ nhiêm đã vi phạm buộc phải cách chức.

“Nhận thức được việc này, Thanh tra Chính phủ đã có kiểm điểm và chúng tôi đã xác định trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân và có một kế hoạch để sửa chữa. Trong thực tế đã làm rất quyết liệt trong 2 năm và được các cơ quan cấp trên đánh giá cao”, ông Lượng cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình khắc phục vụ việc, bên cạnh bố trí cán bộ thay thế, ban lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã ra nghị quyết không bổ nhiệm hàm cấp vụ nữa. Một trường hợp vi phạm đã cách chức, 3 trường hợp không đáp ứng được yêu cầu công việc đã phải miễn nhiệm, nhưng đại đa số được bổ nhiệm là đáp ứng được yêu cầu được giao.

Riêng về xử lý trách nhiệm, Phó tổng Thanh tra cho biết, công tác bổ nhiệm cán bộ theo quy định là trách nhiệm của tập thể, trong đó có trách nhiệm của lãnh đạo. Song tập thể lãnh đạo bổ nhiệm năm 2011 thuộc nhiệm kỳ trước, nên việc này hiện vẫn phải chờ kết luận của cơ quan và người có thẩm quyền, sau đó sẽ thông báo rộng rãi đến báo giới.

Theo Ngô Trang

VnEconomy

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *