Đầu tư 21/11/2013 13:34

“Ăn” tiền tỉ từ ụ nổi 83M, 2 lãnh đạo thuộc Vinalines bị truy tố

Lấy 3,6 tỉ đồng từ hợp đồng sửa chữa ụ nổi M83 trị giá 8,7 tỉ đồng để chia chác nhau, 2 nguyên lãnh đạo thuộc Vinalines cùng 2 đồng phạm khác đã cùng bị truy tố tội “tham ô tài sản”.

4 bị can đã tham ô tổng cộng 3,6 tỉ đồng từ hợp đồng sửa chữa ụ nổi M83
4 bị can đã tham ô tổng cộng 3,6 tỉ đồng từ hợp đồng sửa chữa ụ nổi M83
 

Nguồn tin ngày 20-11 cho biết Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố 4 bị can, gồm: Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc công ty TNHH sửa chữa tàu biển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Trần Văn Quang, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường, Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng, nguyên Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin; và Phạm Bá Giáp, Giám đốc công ty TNHH Nguyên Ân, về tội “tham ô tài sản”.

Theo cáo trạng, công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines là đơn vị thành viên của Vinalines, được giao nhiệm vụ uỷ quyền ký, thanh toán các hợp đồng sửa chữa ụ nổi No83M thuộc Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.

Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, Trần Hải Sơn đã thông đồng với Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng, Phạm Bá Giáp 2 ký hợp đồng sửa chữa ụ nổi No83M giá trị 8,7 tỉ đồng.

Thông qua việc ký kết, thực hiện hai hợp đồng này, các bị can đã bàn bạc, thoả thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công rồi nhờ Phạm Bá Giáp cho mượn tư cách pháp nhân công ty TNHH Nguyên Ân ký và thanh quyết toán hai hợp đồng nhằm tham ô hơn 3,6 tỉ đồng.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định một số người có liên quan đến hành vi phạm tội của các bị can nhưng không cần thiết phải xử lý hình sự nên đã có văn bản đề nghị cơ quan chủ quản xử lý hành chính là thoả đáng.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tạm giữ của các bị can số tiền gần 1,2 tỉ đồng.

Điều 278. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Nguyễn Quyết
Người lao động
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *