Đầu tư 03/03/2015 19:32

Thủ tướng: Không để công sức tiền bạc trôi sông trôi biển!

FICA - Thủ tướng nhấn mạnh, “Triều cường, úng ngập, sạt lở, nhiễm mặn đang diễn ra hàng ngày. Chúng ta không hoang mang, lo lắng nhưng cũng không coi đây là chuyện xa vời. Cần phải nhận thức rằng chúng ta sẽ phải chung sống, phải thích ứng, phải phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Chiều 3/3/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp lần thứ VI của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu.

Báo cáo kết quả công tác của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2015 cho thấy, thời gian qua, chính sách pháp luật của Việt Nam về biến đổi khí hậu được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, tạo cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng, thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

Cơ cấu tổ chức, bộ máy tiếp tục được hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát kết quả thực hiện Dự án, Chương trình, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh; các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu được nghiên cứu xây dựng, hỗ trợ cho việc lựa chọn các hoạt động ưu tiên, đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình, bối cảnh phát triển chung.

Kết quả nghiên cứu khoa học, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng được cập nhật, việc triển khai chương trình khoa học công nghệ quốc gia được tổng kết, đánh giá, chuyển giao ứng dụng. Bên cạnh đó, năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai được quan tâm đầu tư và bước đầu phát huy hiệu quả, đáp ứng cho yêu cầu chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm triển khai; nội dung biến đổi khí hậu được xây dựng, lồng ghép, đưa vào giảng dạy, phổ cập ở các cấp học.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu nhấn mạnh, nhiều dự báo cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng rõ và ngày càng lớn. “Triều cường, úng ngập, sạt lở, nhiễm mặn đang diễn ra hàng ngày. Chúng ta không hoang mang, lo lắng nhưng cũng không coi đây là chuyện xa vời. Cần phải nhận thức rằng chúng ta sẽ phải chung sống, phải thích ứng, phải phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cho rằng thích ứng với biến đổi khí hậu phải thường trực cả trong nhận thức và hành động, phải được xem xét trong mọi kịch bản phát triển, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trên tất cả các lĩnh vực, là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, của toàn xã hội; đồng thời phải triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, liên tục, lâu dài nhưng có trọng tâm, trọng điểm.

“Có tình trạng nhận thức về vấn đề này trong nhiều cấp, nhiều ngành chưa tương xứng với tính nghiêm trọng của vấn đề”, Thủ tướng nhận xét và cho rằng tuy đã làm được nhiều việc, có một số kết quả bước đầu song việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, cả trong nhận thức cũng như hành động.

Dẫn ra hàng loạt các công việc phải làm như ngành nông nghiệp phải tính toán, quy hoạch sản xuất và đời sống thế nào ở những vùng nhiễm mặn; ngành giao thông phải xây dựng đường xá, cầu cống ra sao để không bị ngập; ngành xây dựng quy hoạch như thế nào khi cả nước có 40% trong tổng số 700 đô thị trong cả nước bị tác động ngập; thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ cần có những dự án gì để chống ngập... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp, các ngành cần phải tập trung xác định những nhiệm vụ trọng tâm, các dự án cụ thể, tìm mọi cách huy động các nguồn lực để thực hiện.

“Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi doanh nghiệp đều phải nhận thức đúng mức vấn đề. Nhìn thì tổng thể nhưng làm phải có trọng tâm, trọng điểm. Nguồn lực có hạn nên không được đầu dàn trải, kém hiệu quả, nếu không tất cả công sức, tiền bạc đều trôi ra sông, ra biển”, Thủ tướng phát biểu.

Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phải tập trung rà soát, cập nhật quy hoạch từng vùng, từng ngành theo tinh thần thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Xác định những dự án trọng tâm, trong điểm cần phải làm trong 5 năm tới, đồng thời tính toán, huy động các nguồn vốn để đầu tư; phê duyệt đến từng dự án và kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả đầu tư và hiệu quả dự án.

Theo đó, các dự án trọng điểm được xác định, bao gồm: Các dự án chống xói lở và trồng rừng phòng lộ ven biển; các dự án chống xâm nhập mặn trên cơ sở tính toán, xác định rõ các vùng nào cần phải chống xâm nhập mặn, vùng nào phải thích ứng với nhiễm mặn; các dự án chống ngập úng ở đô thị, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, các đô thị ở Bến Tre, Cà Mau.

Khẳng định quan điểm sử dụng nội lực là chính và huy động mọi nguồn lực cho nhiệm vụ này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách để thu hút khu vực tư nhân, người dân tham gia vào các dự án ứng phó với biển đổi khí hậu và nước biển dâng. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị cần tiếp tục thu hút, vận động nguồn lực từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *