Đầu tư 16/04/2018 13:49

Thủ tướng: Hãy coi chừng các khoản chi phí dù rất nhỏ

"Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ, một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lời nhà lập quốc Hoa Kỳ Benjamin Franklin khi nói về chi phí logistics ở Việt Nam tại hội nghị sáng 16/4.

Phát biểu tại hội nghị về về logistics sáng 16/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biếtvấn đề logistics đã được các bộ, ngành quan tâm nhưng chưa có giải pháp khiến chi phí vận tải vẫn còn cao trong khu vực. Do đó, Chính phủ đã mời các cơ quan, doanh nghiệp liên quan để bàn giải pháp.

"Vấn đề này ít được người hiểu một cách thấu đáo, mới chỉ tập trung vào đường bộ. Xe vận tải hàng, 40-50% xe rỗng quay lại nên chi phí vận tải đội lên cũng là điều dễ hiểu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho rằng phải có doanh nghiệp mạnh làm logicstic, phải có vai trò của nhà nước trong lĩnh vực này. 

"Chúng ta phải hiểu khái niệm Logicstics một cách rộng nữa chứ không chỉ là kết nối kho bãi thông thường.

Hiện chúng ta dường như tập trung đến 90% vào vận tải đường bộ. Các địa phương có điều kiện phát triển về vận tải sông nước như Khu vực Đồng bằng Sông Cửụ Long cũng chưa tận dụng hết được thế mạnh này để phát huy hiệu quả.

Thủ tướng cho rằng cần phải làm tốt logistics để hạn chế chi phí kho bãi, nâng cao khả năng cạnh tranh, chi phí phải giảm từng tí, từng li một. Gánh nặng chi phí là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

"Ông Benjamin Franklin, một trong những người xây dựng Hoa Kỳ từng nói “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ, một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”. Nếu chi phí logistics lớn sẽ khiến cạnh tranh của chúng ta xuống thấp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, trong thời gian qua hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác bước đầu đã phát huy hiệu quả.

"Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta còn chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt.

Cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối đặc biệt là việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistic có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức, đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm", Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.

Để giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, các giải pháp Bộ GTVT đề ra là: Về đường bộ, cần đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành các dự án ngân sách nhà nước, vốn nước ngoài, các dự án BOT đang thi công; Đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, đường chuyên dùng bảo đảm kết nối hiệu quả các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu chính, đầu mối giao thông quan trọng với các cảng biển, cảng thủy nội địa, ga đường sắt…

Đánh giá hoạt động logistics của Việt Nam hiện nay, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng các điều kiện kinh doanh được điều chỉnh theo các điều kiện đầu tư, kinh doanh pháp luật chuyên ngành. Vì vậy không thể có một điều kiện chung áp dụng cho tất cả các hoạt động logistics – đây là một trong nhưng vướng mắc khiến hoạt động logistics khó hoạt động. 

“Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy hoạt động logistics phát triển, cần rà soát tổng thể các điều kiện kinh doanh nhằm bãi bỏ những điều kiện có tính áp đặt về quy mô, cản trở các chủ thể kinh doanh ra nhập thị trường; bãi bỏ các điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp hành chính vào vấn đề do thị thị trưởng điều chỉnh; đồng thời cũng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực đáp ứng sự phát triển”, bà Lan Anh nói.

Còn ông Achim Fock – Giám đốc điều phối dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) lại kiến nghị CP Việt Nam thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy những hạ tầng phục vụ thương mại cũng như kết nối giao thông; xây dựng ngành logistics có tính cạnh tranh về dịch vụ… Những giải pháp này đòi hỏi sự phối kết hợp từ nhiều bộ ban ngành vì vậy cần thúc đẩy sự phối kết hợp giữa các bộ ban ngành và khối tư nhân.

 

An Nguyên

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *