Đầu tư 10/12/2013 17:21

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Hiệp hội Mía đường “lợi ích nhóm” và nói khống số liệu!

FICA - Đánh giá có lợi ích nhóm tại Hiệp hội Mía đường, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ ra rằng, nhiều số liệu Hiệp hội cung cấp cho báo chí khi phản ứng trước khả năng cho phép nhập đường Hoàng Anh Gia Lai là không đúng thực tế.

Liên quan đến vụ việc căng thẳng giữa Hiệp hội Mía đường và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thời gian gần đây, chiều nay (10/12/2013), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú.
 

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú.
 
Thưa Thứ trưởng, được biết, vừa rồi Bộ Công thương đã có văn bản gửi các Bộ ngành liên quan về việc cho Công ty cổ phần Đường Biên Hòa được xuất khẩu đường có nguồn gốc từ Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào đi qua cửa khẩu phụ Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai sang Trung Quốc. Hiện tại, các Bộ đã có phản hồi hay chưa?
 
Hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời của các Bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao – PV), các Bộ vẫn đang giữ thái độ im lặng về vấn đề này.
 
Bộ Công thương chưa có đề xuất gì mà mới chỉ nhận được công văn của HAGL cũng như công văn của Đường Biên Hòa và được Chính phủ yêu cầu chủ trì. Chúng tôi mới chỉ gửi ý kiến tới các bộ ngành mà thôi.
 
Thời gian vừa rồi, Hiệp hội Mía đường đã thể hiện sự phản đối với phương án cho nhập khẩu đường của HAGL sản xuất tại Lào về Việt Nam gia công rồi xuất sang Trung Quốc và cũng đưa ra rất nhiều lo ngại, cho rằng điều này sẽ có thể “bóp chết” doanh nghiệp mía đường nội địa và ảnh hưởng tới người nông dân. Thứ trưởng đánh giá sao về điều này?
 
Theo tôi, câu chuyện giữa HAGL và Hiệp hội Mía đường phải được nhìn nhận dưới 2 góc độ. Chúng ta phải cân đối thông tin và xác định “đâu là lợi ích đất nước?”. Không chỉ nghe một chiều từ Hiệp hội Mía đường.
 
Hãy nghĩ xem, đường của HAGL từ đâu mà ra? Đó là do một doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào mà có. Và việc đầu tư sang Lào của HAGL là vừa mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, vừa ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia. Tôi nhớ, hồi chúng tôi còn trẻ, 3.000 con người trong đơn vị của tôi chỉ để giữ 15km biên giới, các bạn còn trẻ, có thể sẽ không thấu hiểu điều này. 
 
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào giải quyết công ăn việc làm cho nước bạn, có sản phẩm, thì sản phẩm ấy phải mang đi đâu?
 
HAGL là làm kinh tế, nhưng mục tiêu kinh tế của HAGL mang lại lợi ích chính trị cho đất nước. Họ đã được nhân dân Lào yêu quý, họ giúp được người dân Lào ổn định và góp vào sự ổn định của Chính phủ Lào.
 
Có điều tôi thấy là trong câu chuyện này, chúng ta vẫn chưa đè cập được đến điểm cân bằng lợi ích.
 
Vậy thưa Thứ trưởng, khi chưa có câu trả lời của các Bộ ngành thì doanh nghiệp phải làm gì?
 
Trong quá trình chưa có ý kiến phản hồi của các Bộ khác thì doanh nghiệp buộc phải chờ thôi.
 
Về các ý kiến của Hiệp hội Mía đường, liệu Thứ trưởng có đánh giá gì không?
 
Thực chất Hiệp hội Mía đường lo ngại là đúng nhưng không phải tất cả những điều mà Hiệp hội phản ánh là đúng hoàn toàn.
 
Thứ nhất, Hiệp hội Mía đường đưa ra những con số khủng khiếp mà qua theo dõi thực tế, chúng tôi không thấy như thế. 
 
Cụ thể, năm ngoái, Hiệp hội Mía đường nói sản xuất thừa 200 ngàn tấn, thực tế chúng tôi cho xuất 50 ngàn tấn thì đã hết nguồn. Năm nay, họ tiếp tục “tung” lên con số khủng khiếp hơn là thừa 600 ngàn tấn, nhưng cho đến giờ phút này, chúng tôi cho xuất 270 ngàn tấn mà mới xuất có một nửa. Vụ tới có khi họ sẽ đưa lên 1 triệu tấn không biết chừng!
 
Phải nhớ là năm 2010 chúng ta còn đang thiếu đường. Và tháng 12 năm ngoái cũng vẫn còn thiếu đường sản xuất. Như thế, có thể thấy là những con số mà Hiệp hội đưa ra lập luận là không hoàn toàn chuẩn xác.
 
Thứ hai, họ nói sẽ có doanh nghiệp bỏ mua mía của dân - vậy là dọa dẫm.
 
Thực tế, sản xuất đường từ mía và sản xuất từ đường thô là 2 công nghệ khác nhau, chỉ sử dụng một phần công nghệ chung mà thôi. Đường Biên Hòa có đặc thù là họ không có nguồn nguyên liệu nên mới chỉ sản xuất đường tinh luyện từ nguồn đường thô.
 
Thứ ba, Hiệp hội nói, con đường đi qua cửa khẩu Bản Vược là con đường duy nhất, nếu HAGL và Đường Biên Hòa chen vào thì họ không còn cửa nữa. Thực tế, tôi là người theo dõi tôi biết không đúng như vậy. 
 
Từ tháng 3 đến tháng 12 chúng tôi cấp 270 ngàn tấn đường được phép đi qua cửa khẩu Bản Vược mà tới hôm nay mới xuất được 120 ngàn tấn.
 
Có 2 lý do: Đúng là những thời điểm phía Trung Quốc cấm biên (khoảng nửa tháng). Nhưng, vấn đề là còn có lý do các doanh nghiệp xuất khẩu trên đường biên không mua được đường của các nhà máy vì không có nguồn. Điểm này thì Hiệp hội lại lờ đi.
 
Như vậy là ở góc độ nào đó, Hiệp hội Mía đường không sòng phẳng?
 
Các bạn nhớ lại thì thấy, trong 8 năm trở lại đây có một thực tế là Hiệp hội Mía đường luôn luôn nói hai giọng. Khi nào vào vụ mía đường thì họ nói rằng thừa đường và có đường buôn lậu, nhưng cuối vụ thì giọng họ lại khác ngay và họ đẩy giá lên.
 
Nói như vậy, Hiệp hội cũng không phải hoàn toàn xuất phát từ lợi ích người nông dân như tuyên bố? 
 
Tất nhiên, không hoàn toàn như vậy! Trong đó một phần lớn là lợi ích của bản thân họ. Đây chính là lợi ích nhóm. Vài doanh nghiệp với nhau cũng thành lợi ích nhóm. 
 
Tôi không khẳng định điều gì, nhưng trường hợp đường của HAGL đúng phải cân nhắc kỹ, các Bộ thận trọng là đúng.
 
Về lo ngại thẩm lậu đường trở lại vào thị trường nội địa nếu Đường Biên Hòa không thật sự xuất hết sang Trung Quốc, ông đánh giá sao, thưa Thứ trưởng?
 
Khả năng này là hoàn toàn có thể. Đấy chính là điều mà chính cá nhân tôi lo ngại khi giải quyết vấn đề này. 
 
Bởi vì xuất khẩu qua đường cửa khẩu phụ cần kỹ năng và quan hệ. Khi xuất khẩu như vậy thì doanh nghiệp phải có khách hàng và phải rất tin tưởng, đối tác mới đưa đường sang bên kia. 
 
Với đường cửa khẩu phụ này, doanh nghiệp không thể mở tín dụng thư (L/C) hay chuyển tiền đi bằng điện (T/T) như các ngân hàng thực hiện. Nếu thanh toán được như thế thì các doanh nghiệp đã bán hàng qua cửa khẩu chính hết rồi. 
 
Chỉ có những doanh nghiệp ở khu vực Lào Cai (ngoài ra chỉ có 1 doanh nghiệp ở Phú Thọ là làm được) là đưa được đường sang bên kia rồi nhận phân bón về. Đường Biên Hòa theo đánh giá là không làm được như thế. Nếu không xuất được, lúc đó Đường Biên Hòa sẽ phải để lại trong nước, khả năng này là có. 
 
Do đó, chúng tôi mới phải rất cân nhắc. Khi xem xét phương án xử lý vấn đề này, chúng tôi phải đánh giá rất kỹ: làm sao để Đường Biên Hòa không để lại trong nước, làm sao để Đường Biên Hòa không gian dối bằng cách là mua chứng từ xuất khẩu của người khác để hợp thức hóa, và làm sao để Đường Biên Hòa không để thẩm lậu đường lại trong nước bằng xuất khống. Tất cả các rủi ro, khả năng đó đều phải cân nhắc!
 
Vậy, nếu đánh giá về tính cạnh tranh của doanh nghiệp mía đường trong nước, ông có nhận định gì?
 
Nhìn chung, tất cả các đứa con cưng đều hư, tôi khẳng định như thế! Là con cái chung ta, cưng chiều lắm thì sẽ hư. Doanh nghiệp Nhà nước cũng vậy, chiều lắm cũng hư!
 
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *