Đầu tư 10/05/2014 17:02

Tham nhũng, lãng phí ODA: "Số ít thôi nhưng đáng tiếc và nghiêm trọng!"

FICA - Phát biểu tại "Chương trình Người dân và Chính phủ" do Truyền hình Thông tấn của Thông tấn xã Việt Nam và Cổng thông tin Chính phủ phối hợp thực hiện ngày 9/5/2014, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những vụ việc liên quan đến tham nhũng, lãng phí tại các dự án ODA chỉ là số ít, nhưng nghiêm trọng và cần xử nghiêm.

 

Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng.

Thưa thứ trưởng, đối vốn ODA thường có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất, đây là vốn vay ưu đãi liên Chính phủ nên vay được càng nhiều càng tốt và quản lý cũng tương đối dễ dãi. Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai cho rằng, đây là vốn vay nên phải trả, vay nhiều thì thế hệ con cháu sau này phải trả nhiều. Quan điểm của Bộ KHĐT như thế nào?

ODA là một nguồn vốn rất quan trọng cho tất cả các nước đang phát triển. Nhu cầu của chúng ta cũng vậy, rất lớn, trong khi nguồn vốn có hạn và sự cạnh tranh giữa các nước đang phát triển để dành nguồn vốn này cũng ngày càng gay gắt.

ODA không phải là nguồn vốn mà vô hạn mà không có trách nhiệm, mà đây là nguồn vốn đi vay với ưu đãi nhất định để phục vụ cho phát triển kinh tế trong từng giai đoạn. Sau đó thì phải có kế hoạch trả nợ nên không thể nói rằng, dùng thoải mái mà không tính đến nghĩa vụ trả nợ sau này. Chúng ta phải xác định sử dụng làm sao cho hiệu quả, để ODA trở thành đòn bẩy, cú hích tạo động lực cho phát triển.

Cho đến thời điểm này, các dự án sử dụng vốn vay ODA đang tập trung vào những lĩnh vực nào?

Chúng ta đang tập trung nhiều nhất cho hạ tầng, an sinh xã hội (y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo...); biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai.

Liên quan đến các dự án ODA, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như dư luận luôn quan tâm đến vấn đề minh bạch hóa để làm sao hạn chế được tối đa, tốt nhất tình trạng tham nhũng, lãng phí. Nhưng trên thực tế một số các vụ việc, nghi án liên quan đến ODA có sự tài trợ của nước ngoài lại từ các cơ quan truyền thông nước ngoài. Phải chăng cơ chế chúng ta vẫn còn thiếu điều gì đó để cảnh báo, phòng ngừa tình trạng tham nhũng lãng phí thưa ông?

Vừa qua cũng có một vài - một số ít thôi, những vụ việc hết sức đáng tiếc. Theo quan điểm của chúng tôi, kể cả vụ mới đây nhất, nếu đúng như thế thì cũng là một vấn đề hết sức nghiêm trọng và chúng ta phải xử lý hết sức nghiêm.

Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải xem lại, đâu là kẻ hở, đâu là lỗ hổng dẫn tới tham nhũng, lãng phí. Việc chống tham nhũng phải công khai minh bạch, phải rõ ràng thể hiện trong quy định của Luật Đấu thầu. Tất cả những quy dịnh trong Luật Đấu thầu phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt nhất. Những gì mà chúng ta chưa khắc phục được hết thì chúng ta phải khắc phục bằng được để làm sao có được kết quả đấu thầu công khai minh bạch và đảm bảo được chính xác nhất.

Về lãng phí, chúng tôi cũng thấy có câu chuyện đó nhưng thực tế, trong quá trình vừa qua chúng ta làm tương đối chặt chẽ, và thời gian tới phải chặt chẽ hơn nữa, từ xây dựng những chương trình, dự án. Danh mục các dự án trước hết phải bám vào chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm , kế hoạch từng năm và phải đảm bảo tính khả thi.

Gắn với tính khả thi còn một vấn đề đang nổi lên là nguồn vốn đối ứng, Khi mà chúng ta không có đủ vốn đối ứng mà chúng ta phê duyệt dự án đó thì sẽ làm chậm lại dự án hoặc sẽ không đảm bảo được khả thi của dự án và làm cho dự án chậm lại, kéo dài tến độ, làm tăng chi phí đầu tư lên.

Nguồn vốn ODA không phải là vô hạn, không phải chúng ta muốn bao nhiêu là có bấy nhiêu mà còn do sự quan tâm của nhà tài trợ. Môi trường, khả năng, hiệu quả giải ngân ODA của chúng ta mới quyết định đến việc người ta có đầu tư vào dự án ODA đó hay không.

Trong vụ bê bối Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã chi một khoản tiền hối lộ cho một số lãnh đạo ngành Đường sắt Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án “Đường sắt đô thị  Hà Nội, tuyến số 01 - giai đoạn I” bằng vốn ODA của Nhật Bản, 6 bị can đã bị khởi tố.

Các nhà cung cấp vốn có ý kiến cho rằng Việt Nam chậm giải ngân vốn ODA và để thực hiện một dự án thì phải qua rất nhiều các thủ tục. Văn bản pháp quy đã có nhưng có sự chồng chéo giữa Trung ương và địa phương, trong khi Bộ KHĐT được giao là đầu mối quản lý các dự án ODA. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Để đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả thì phải quản lý chặt chẽ nguồn vốn này. Chúng ta phải thực hiện rất nhiều công đoạn, quy trình để kiểm soát tính chặt chẽ, hiệu quả, khả thi của từng dự án này. Thế nhưng trong thời gian vừa qua, kết quả đạt được cũng rất tốt, nhưng đúng là câu chuyện là dự án chậm, thủ tục có thể là thiếu, không đồng bộ, có sự chồng chéo giữa các bộ nọ, ngành kia. Ví dụ như các vấn đề đầu tư xây dựng, môi trường đất đai, giải phóng mặt bằng tái định cư...

Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 để khắc phục cơ bản các bất cập đó. Hiện nay vẫn còn một số chỗ vướng nhưng về cơ bản đã khắc phục. Đây là một bước tiến cơ bản trong tiến trình thu hút vốn ODA vừa qua.

Qua 1 năm thực hiện Nghị định thì chúng tôi cũng mới chỉ có Thông tư hướng dẫn cách đây khoảng 2 tháng. Hiện nay đang triển khai và được đánh giá rất tốt.

Vừa qua chúng ta có sự phân cấp hết sức mạnh mẽ, đó là với một số dự án có sử dụng nguồn vốn phi chính phủ không hoàn lại, trước đây đều phải trình Thủ tướng thì theo quy định hiện nay cho phép thủ trưởng của các cơ quan được quyết định dự án có vốn 1 triệu USD trở xuống, tạo tính thuận lợi và cả trách nhiệm của các cơ quan khi quyết định.

Chất lượng phê duyệt, thẩm định các dự án cũng dược nâng cao hơn. Việc cho phép hoạt động trước làm giảm thời gian thực hiện, triển khai sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Khi rút ngắn được thời gian thì dự án được đưa vào khai thác, không làm tăng tổng mức đầu tư, chi phí phát sinh.

Ở Việt Nam, việc vay vốn ODA kéo dài khá nhiều năm, trong kế hoạch cũng cần phải chia thành nhiều giai đoạn. Có giai đoạn, ODA tập trung cho cơ sở hạ tầng, có giai đoạn lại là những lĩnh vực khác (như Hàn Quốc hiện nay dành đáng kể vốn ODA cho văn hóa xã hội). Quan điểm của ông như thế nào?

Cái này phụ thuộc vào nhu cầu của đất nước trong từng giai đoạn. Hiện nay kinh tế chúng ta tập tung vào 3 lĩnh vực trong chiến ược 10 năm đã nêu: phải đảm bảo phát triển kinh tế gắn hài hòa với các vấn đề xã hội và môi trường. Vốn ODA hiện nay của chúng ta cũng phải tập trung vào cái đó.

Chúng ta phải có cơ sở hạ tầng hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và phục vụ cho mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đồng thời chúng ta phải lo đến an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo thống kê của Bộ KHĐT, 20 năm qua, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam gần 80 tỉ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA. Rất nhiều chương trình dự án sử dụng vốn ODA đã được đưa vào sử dụng tạo nền tảng cho phát triển đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh số vốn cam kết ký kết tăng dần qua từng năm thì giải ngân vốn ODA vẫn chưa đạt được những đột phá dù đã cải thiện nhiều.

Đến nay các nhà tài trợ mới chỉ giải ngân được gần 70% tổng vốn cam kết. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn hỗ trợ cho Việt Nam lại đang thay đổi theo hướng giảm dần vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Bích Diệp ghi

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *