Đầu tư 29/10/2014 16:09

Samsung "kích" tổng vốn FDI vào TPHCM tăng gần gấp đôi

FICA - Với 2,9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm, TPHCM hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Samsung đầu tư 1,4 tỷ USD vào TPHCM

Theo báo cáo của UBND TPHCM công bố tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh thành phố tháng 10 và 10 tháng đầu năm, trong tháng 10, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố ước đạt 55.879 tỷ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ; 10 tháng ước đạt 530.479 tỷ đồng, tăng 12,0% so cùng kỳ.

Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại TPHCM tăng 7,1% so cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,38% so với tháng 12/2013. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng ở cả 3 nhóm, 10 tháng ước thực hiện 213.059 tỷ đồng, đạt 94,15% dự toán, tăng 13,49% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 10 tháng ước thực hiện 35.281 tỷ đồng, đạt 84,04% dự toán, tăng 16,64% so cùng kỳ.

Thu hút đầu tư nước ngoài của TPHCM đánh dấu mốc son với việc Tập đoàn Điện tử Sam Sung (Hàn Quốc) đầu tư 1,4 tỷ USD vào Khu Công nghệ cao, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn của thành phố 10 tháng đầu năm 2014 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ.

Với 2,9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, TPHCM hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hoàng Quân yêu cầu các cơ quan chức năng của TP không được chủ quan mà phải tiếp tục tạo điều kiện thông thoáng để có thể thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Lĩnh vực công nghiệp đã luôn duy trì nhịp độ tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,8%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm (chế biến lương thực, thực phẩm; hóa - dược - cao su; điện tử; cơ khí chế tạo) tăng 7,7% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

Tại cuộc họp, ông Quân cũng cho biết, 2 tháng cuối năm 2014, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2014 đã đạt 37.483 tỷ đồng, vượt 7.483 tỷ đồng so kế hoạch và vượt 17.483 tỷ đồng so với mục tiêu đề ra ban đầu của chương trình (20.000 tỷ đồng); nếu tính doanh nghiệp bình ổn đã đạt trên 46.000 tỷ đồng.

Đây là nguồn vốn rất quan trọng cho doanh nghiệp dự trữ nguyên vật liệu chuẩn bị cho hoạt động sản xuất trong quý IV năm 2014 và dịp Tết Ất Mùi 2015.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *