Đầu tư 31/05/2015 11:01

Ngóng “phán quyết” xây sân bay khủng từ tâm điểm Long Thành

FICA - “Hơn 10 năm nay “án binh” chờ đợi dự án làm sân bay rồi, nếu quyết xin làm luôn, còn không thì dừng hẳn để người dân tính cuộc sống lâu dài”; “Nếu làm cũng xin nhà nước làm một thể luôn , không chia nhỏ dự án để phần đông người địa phương lại tiếp tục dật dờ với… quy hoạch treo”…

Đứng dưới mái hiên căn nhà cấp 4 nhỏ lợp proximăng ven đường, bên hông nhà là hun hút lối vào rừng cao su, ông Nguyễn Văn Tuyên (ngụ tại Ấp 1, xã Suối Trầu) nói về tâm nguyện của những người dân tại xã trung tâm, nằm trọn trong vùng quy hoạch dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Bài toán di chuyển 14.000 con người

Giữa tuần tới, Quốc hội thảo luận lần thứ 2 về chủ trương đầu tư dự án “khủng” này để cuồi kỳ họp thứ 9 đưa ra biểu quyết “gật” hay “lắc” đối với quyết định dồn tiền làm một sân bay lớn nhất cả nước. Câu chuyện sân bay Long Thành nóng dần qua 2 kỳ họp.

Tại vị trí quy hoạch của Long Thành, người dân tại Suối Trầu đã hết nóng rồi nguội, nguội xong lại được hâm nóng với mường tượng về một sân bay quốc tế hiện đại sẽ mọc lên ngay trên nền nhà, trong vườn, giữa rừng cao su của nhà mình đã mười mấy, hai chục năm qua. Long Thành chính thức được quy hoạch cho mục đích đầu tư cảng hàng không từ năm 1997.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất làm sân bay đã được công bố tại UBND xã  Suối Trầu.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất làm sân bay đã được công bố tại UBND xã  Suối Trầu.

Ngày 29/5, sau khoảng 40 phút di chuyển từ TPHCM,  về đến trung tâm xã Suối Trầu (khoảng cách khoảng 35km), đoàn thị sát của Bộ GTVT cùng đại diện UBND tỉnh Đồng Nai có buổi làm việc xem xét kết quả cuộc khảo sát do Sở TB-MT tỉnh này thực hiện đầu tháng  4 vừa qua để chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.

Phó GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất – Sở TN-MT Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, Suối Trầu là xã nằm trọn trong vùng quy hoạch sân bay. Khu vực này có độ cao 30-60m so với mực nước biển, chủ yếu là đất đồi, thuận tiện cho việc xây dựng các công trình so với điều kiện của sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại (chỉ cao hơn 7m so với mực nước biển).  

Theo báo cáo đầu tư mới nhất của Chinh phủ, dự án trước mắt thu hẹp quy mô triển khai trong giai đoạn 1, chỉ xây dựng 1 nhà ga, 1 đường băng về phía Bắc – phía thuận lợi hơn vì tương đối bằng phẳng, khối lượng phải san lấp ít hơn.  Cũng theo phương án “liệu cơm gắp mắm” này, giai đoạn 1 của dự án chủ yếu lấy vào 2.700 ha rừng cao su, số hộ dân bị ảnh hưởng không lớn nên chi phí giải phóng mặt bằng phần này thấp nhất.

Theo dự kiến, giai đoạn này, tổng chi phí cho việc thu hồi đất là 5.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ “phạm” tới phần lớn trong số hơn 4.500 hộ dân với 14.000 nhân khẩu của xã Suối Trầu, dự kiến chi phí khoảng 8.000 tỷ đồng.

Ông Thanh thông tin, hầu hết các hộ dân đều đồng tình với chủ trương xây dựng dự án. “Lúc đầu có 25 hộ dân chưa đồng thuận với chủ trương dự án, nhưng sau đó UBND huyện Long Thành và UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức tiếp xúc, làm việc với từng hộ dân, giải thích rõ chủ trương đường lối và mọi chế độ chính sách, quyền lợi của người dân… Cho đến hôm nay, toàn bộ 100% của 4.541 hộ dân ở đây đều đồng thuận với chủ trương của dự án và đề nghị sớm thực hiện dự án để các hộ dân ổn định cuộc sống” – ông Thanh nói.

Đồng Nai cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án bồi thường khu tái định cư và tạo việc làm cho người dân tại khu vực Dự án, theo đó lên kế hoạch đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư là Lộc An,  Bình Sơn cách Suối Trầu 4 km.  Chi phí dự kiến đầu tư làm 2 khu tái định cư này (không có đất sản xuất, chỉ bố trí đất ở với diện tích 120-300m2/hộ) là 30 tỷ đồng. Tại đây đã có các khu công nghiệp đi kèm với  rất nhiều nhà máy hiện đã thu hút trên 47.000 lao động. Số đầu việc còn thiếu được “để dành” cho chính những người dân tái định cư sau khi di dời, nhường đất cho sân bay Long Thành.

 “Chúng tôi chắc chắn rằng, với việc khảo sát kỹ lưỡng và lập quy hoạch các khu công nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, tất cả người dân đều sẽ có công ăn việc làm và ổn định cuộc sống” – ông Thanh nói.

Sống “treo” 20 năm bên dự án sân bay
 
Ông Nguyễn Văn Tuyên (ấp 1, xã Suối Trầu): Dự án càng kéo dài, người dân càng cực.
Ông Nguyễn Văn Tuyên (ấp 1, xã Suối Trầu): "Dự án càng kéo dài, người dân càng cực".
 

Trở lại với câu chuyện dưới hiên căn nhà bên rừng cao su, ông Nguyễn Văn Tuyên cười hồn hậu, khẳng định đồng thuận, ủng hộ chủ trương xây sân bay. Ông Tuyên cho biết, người dân Suối Trầu đều đã xác định việc di dời, trả đất nhưng đã nhiều năm qua vẫn chưa yên, chưa chắc được việc đi hay ở.

“Chúng tôi nghe nói việc làm sân bay ở đây đã mười mấy, hai chục năm rồi, đã “án binh” chờ đợi từ lâu, giờ nhà nước có quyết làm không?  Nếu quyết xin làm ngay, còn không thì dừng hẳn để người dân tính chứ càng kéo dài càng khổ vì nằm trong vùng quy hoạch rất khó làm ăn, không dám đầu tư làm gì cả. Cây trồng lâu cũng không dám phá đi trồng cây mới, nhà có mấy chục cây điều già cũng không dám cưa, vì sợ lúc kiểm đếm trên đất không còn gì là mất trắng, không được đền bù. Mà đất ở đây hết hiệu quả rồi, quá cằn cỗi không trồng được cây gì ngoài cao su. Ai ở đây cũng mong dự án “chốt” sớm ngày nào là lợi ích cho người dân, chứ giờ khó sống lắm” – ông Tuyên trình bày.

Nghe thông tin, dự án lại được điều chỉnh theo hướng chia nhỏ hơn, làm từng giai đoạn để giảm áp lực huy động vốn, ông Tuyên không giấu lo lắng vì như vậy, phần khó lại dồn về cho dân địa phương. Nếu giai đoạn đầu chỉ giải phóng chủ yếu rừng cao su, chưa động đến khu sinh sống tập trung của người dân thì vô hình chung, sân bay lại thành rào cản, chặn ngang con đường đi lại, làm ăn, dồn người dân về nửa bên kia của Long Thành.

Theo đó, thay vì quãng đường di chuyển từ Suối Trầu đến Long Thành chỉ mất khoảng 1 giờ như hiện nay, có sân bay án ngữ, người dân sẽ phải đi vòng qua và mất gấp 2-3 lần thời gian để tới huyện lỵ. Cuộc sống “bên lề” sân bay khủng nhất đất nước như thế, ông Tuyên e ngại, không thuận tiện, thoải mái, ích lợi gì. Nguyện vọng của người dân là sớm trả đất một lần, di chuyển một lần để sớm tái định cư, ổn định cuộc sống.

Tương tự quan điểm của ông Tuyên, bà Nguyễn Thị Hai Thu (bán tạp hoá đối diện UBND xã Suối Trầu) thể hiện phấn khởi nếu sân bay Long Thành sớm được xây dựng.

“Tôi mong dự án sẽ bắt đầu thực hiện chứ không chỉ nằm trên giấy nữa. Chúng tôi tin rằng, một sân bay lớn như Long Thành mang lại lợi ích cho quốc gia thì chắc chắn cũng sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân chúng tôi” – bà Thu chia sẻ.

Bà Thu phân trần, tính đến thời điểm hiện tại, đất đai xung quanh khu vực quy hoạch xây cảng gần như đã hết hiệu quả sử dụng vì không thể canh tác, trồng được loại cây gì ngoài cây cao su. Đất quá cằn cỗi nên dân cũng không thể khai thác thêm được nữa, và khi cảng Long Thành được xây dựng, người dân coi đó là cánh cửa mới mở ra một cuộc sống phát triển hơn .

P.Thảo

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *