Đầu tư 28/05/2014 21:00

Năng suất lao động trung bình của Việt Nam giảm ở mức đáng lo ngại

“Các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng chưa đến một nửa năng lực của người lao động, nguyên nhân bắt nguồn từ sự nhận thức chưa đúng về năng lực lao động của con người.”

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đây là ý kiến chung đến từ các chuyên gia kinh tế, nhà quản trị nhân sự tại Hội thảo “Đòn bẩy quản trị nhân lực trong việc nâng cao hiệu suất doanh nghiệp” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Công ty Hyperlogy tổ chức.

Tiềm năng vẫn là “ẩn số”

Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung Ương nhấn mạnh, “hiện nay, hiệu suất sử dụng lao động tại các doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 45%, điều này một mặt cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ở dưới mức tiềm năng. Song mặt khác cũng chỉ ra, tiềm năng thì rất lớn, năng lực lại dồi dào nhưng làm sao chúng ta tận dụng được hết nó.” 

Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố năm 2013 cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á–Thái Bình Dương, như thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả khi so với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á có mức thu nhập trung bình, thì năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. 

Thêm vào đó, một  xu hướng đáng chú ý là tốc độ tăng của năng suất lao động  tại Việt Nam có chiều hướng giảm. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% / năm và đây mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam đã chậm lại và chỉ còn 3,3%.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Song phải kể đến yếu tố sau: các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư nguồn nhân lực để có lợi thế cạnh tranh cao; quan hệ giữa nhà quản lý và người lao động chưa được chặt chẽ;  nhận thức của người lao động thấp, chưa có tác phong làm việc công nghiệp; tôn trọng pháp luật chưa cao, chưa nghiêm minh.

Ông Thành cho rằng, làm việc theo nhóm của Việt Nam là rất kém, trong khi thế giới bây giờ là sự kết nối, đòi hỏi sự chân thành, khuyến khích sáng tạo, kết nối để chia sẻ học tập không chỉ trong mỗi doanh nghiệp, mà còn giữa các doanh nghiệp với nhau.

“Bản thân công nhân chưa là số một thì khách hàng không bao giờ là số một. Từ trước đến nay, doanh nghiệp luôn đề cao người tiêu dùng là ‘thượng đế’, trong khi mỗi người nhân viên trong công ty phải là ‘thượng đế’. Thu nhập, đánh giá, thăng tiến, cơ hội học hành… là quan trọng, song đối với người tài thì chữ đầu tiên cần là 'tôn trọng',” ông Thành nói.

Chi phí và hiệu quả

Trong khi chúng ta vẫn còn lúng túng đi tìm “ẩn số” của nguồn năng lực dồi dào trong nước cũng như những phương thức khai thác nó, thì tới đây lại phải đối mặt với những cuộc cạnh tranh gay gắt mới về nguồn nhân lực trong khu vực, từ tiến trình hội nhập hóa tạo ra.

Theo Báo cáo cáo “Con đường đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 (AEC): Những thách thức và cơ hội đối với các doanh nghiệp” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), doanh nghiệp trong khối ASEAN đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng trong khi sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang đến gần. 

“Gần 50% chủ sử dụng lao động trong khối ASEAN trong cuộc khảo sát đã cho biết người lao tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần,” Báo cáo chỉ ra.

Thêm vào đó sau năm 2015, Thỏa thuận Thừa nhận Lẫn nhau (MRAs) sẽ là phương tiện chính để công nhận những kỹ năng tương đương trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, Báo cáo trên đã chỉ ra việc thiếu nhận thức về những thỏa thuận này có thể tạo ra rào cản và các doanh nghiệp cần tham gia nhiều hơn vào quá trình này. Những doanh nghiệp trong những quốc gia phái cử lao động di cư đang lo ngại về dòng chảy của lao động có kỹ năng. 

Một khảo sát khác trên toàn cầu từ Công ty Ernst & Young với 550 giám đốc tài chính và giám đốc nhân sự cho thấy, tình trạng khan hiếm nhân tài và chi phí lao động gia tăng không chỉ xảy ra ở các thị trường đang phát triển mà cũng đang diễn ra tại các thị trường đã phát triển.

“Tiền công tăng cộng với chi phí khi nguồn lực biến động, khiến chi phi sản xuất tăng cao. Do đó, doanh nghiệp phải làm rõ hơn mối quan hệ giữa chi phí và hiệu quả công việc,” Ông Hoàng Đức Hùng , Phó Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam chỉ ra.

Đồng tình với nhận định trên, bà Hằng nhấn mạnh, trong một cuộc phỏng vấn từ hơn 2.000 doanh nghiệp gần đây đã cho thấy, yếu tố quản trị nguồn nhân lực luôn đứng thứ 1 và 2 trong 9 yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. 

“Trong khi đó, ở Việt Nam chúng ta đang có sự khác biệt  lớn về năng lực quản trị nhân sự giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đáng buồn hơn là sự tương tác trao đổi kinh nghiệm giữa hai khu vực này rất hiếm xảy ra,” bà Phạm Thị Thu Hằng nhận định./.

Theo Hạnh Nguyễn

Vietnam+

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *