Đầu tư 21/02/2014 08:20

Muốn 'nâng cấp' cầu Long Biên, phải tôn trọng lịch sử!

Bộ GTVT cần phải hiểu rõ giá trị cầu Long Biên trước khi đưa ra những quyết định mang tính sống còn với cây cầu đặc biệt này.

Dư luận đang xôn xao về 3 phương án bảo tồn cầu Long Biên vừa được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra. Theo đó, các phương án đều nghiêng về giải pháp tăng tải trọng cho cây cầu để nó tiếp tục gánh vác công năng giao thông thông thường.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết: “Bộ GTVT nghiêng về phương án bảo trì, nâng cấp phát triển lại cây cầu theo hình thái như cũ và tăng khả năng thông xe của nó. Tức là tăng tải trọng, có thể là 2 đường sắt, 2 đường bộ kết hợp và hình thái phải na ná như cũ giống như cái nhà cổ”.

Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử. Đa số các ý kiến đều cho rằng cả 3 phương án mà Bộ GTVT đưa ra đều không ổn. Các chuyên gia cho rằng cần phải hiểu rõ giá trị cầu Long Biên trước khi đưa ra những quyết định mang tính sống còn với cây cầu này.

Long Biên - cây cầu có giá trị lịch sử kiến trúc thế giới

Bộ GTVT đưa ra 3 phương án vị trí cầu vượt sông Hồng:

Phương án 1: Di dời 9 nhịp đầu cầu Hà Nội về phía thượng lưu cách tim cầu cũ 85m để bảo tồn. Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại.

Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại với kết cấu nhịp dàn theo và hình dáng tương tự với thiết kế ban đầu của cầu Long Biên.

Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.

Về qui mô, thời điểm khánh thành cầu vào đầu thế kỉ XX, cầu Long Biên là cây cầu lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau cầu Brooklyn của Mỹ bắc qua East river (thành phố New York).
 

Về công nghệ, cầu Long Biên đạt tới đỉnh cao công nghệ xây dựng, kỹ thuật tính toán và nghệ thuật kiến trúc thời đó. Cầu Long Biên giữ ngôi đầu bảng ở nam bán cầu suốt 3 thập kỷ đầu của thế kỷ XX cho đến năm 1932, khi xuất hiện kiệt tác cầu Cảng Sydney ở Australia.

Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính, cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam, chưa có một công trình nào đồ sộ, phức tạp lại tiệm cận được với kỹ thuật xây cầu thế giới như cầu Long Biên.

Cầu Long Biên có chiều dài là 1.862m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Giữa cầu có đường ray đơn dành cho tàu hoả.

Hai bên cầu có đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Đường dành cho các loại xe rộng 2,6m và luồng dành cho người đi bộ là 0,4m. Luồng giao thông của cầu đi xuôi theo phía trái cầu chứ không đi bên phải như các cầu thông thường khác và đó cũng là 1 trong các nét khác biệt của cầu Long Biên.

Còn KTS Trần Huy Ánh khi nhắc đến vẻ đẹp kiến trúc của cầu Long Biên khẳng định: “Ngay lúc này, nếu còn giữ nguyên vẹn hình dáng ban đầu, cầu Long Biên vẫn là một cây cầu sắt có phong cách hào hoa nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Do nhiều nguyên nhân, việc xây dựng cầu cũng để lại nhiều hình mẫu có giá trị cho nghệ thuật quản lý đô thị”.

Cầu Long Biên xưa. Ảnh: Tư liệu

Lưu giữ ký ức lịch sử hào hùng của Hà Nội

Cầu Long Biên như một phần ký ức của lịch sử Hà Nội. Cây cầu này gắn liền với cuộc sống của Hà Nội với nhiều kỷ niệm, nhiều sự kiện lịch sử mà Hà Nội không thể quên.

Hơn 100 năm tồn tại, cầu Long Biên cùng với nhân dân cả nước trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp Và chống Mỹ của dân tộc, cũng như chứng kiến đổi thay và phát triển từng ngày của đất nước và thủ đô Hà Nội.  Thời chống Pháp, để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), hàng nghìn tấn gạo từ đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã được vận chuyển qua Cầu Long Biên để phục vụ bộ đội ta trên chiến trường và sau 56 ngày đêm chiến đấu hàng nghìn chiến sĩ thủ đô trở về trên chiếc cầu Long Biên trong niềm vui chiến thắng.

Ảnh: Hà Thành

Trong cuộc cháng chiến chống Mỹ, cầu Long Biên là một trong những mục tiêu công kích chủ yếu của không quân Mỹ nhằm cắt đứt tuyến giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh phía Bắc. Nhưng, những chiến sĩ phòng không và người dân Hà Nội vẫn bám trụ chiến đấu để bảo vệ cây cầu huyết mạch dù họ phải trả bằng máu. Có lẽ vì vậy mà hầu như người Hà Nội lớn tuổi nào cũng ít nhiều có kỷ niệm bi hùng về cây cầu sắt cổ kính bắc qua sông Hồng này.

Cây cầu tạo đà kiến tạo đô thị Hà Nội

Trong quá khứ, khi cây cầu được xây dựng, nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp Pino đã thống kê được sự tăng đột biến dân số Hà Nội thêm 1,2 vạn. Con số 2 vạn dân nội thành của Hà Nội năm 1945 cho thấy vai trò của cây cầu trong phát triển đô thị  - vai trò kiến tạo đô thị.

Nhờ đó, đô thị Hà Nội sau thời thuộc Pháp đã có cấu trúc không gian khá hoàn chỉnh với 3 thành phần cơ bản: 1.Thành cổ; 2. Khu phố buôn bán cổ của người Việt (khu 36 phố phường); 3. Khu phố Pháp cho các công sở. Với cây cầu này, cấu trúc không gian của Hà Nội không còn bị giới hạn bởi sông Hồng mà đã trở thành một cấu trúc lớn do sự thống nhất lãnh thổ đưa lại.

Hơn một trăm năm, dù không còn nguyên vẹn, cầu Long Biên vẫn bền bỉ nối đôi bờ sông mẹ. Cầu Long Biên gắn liền với những buồn vui, thăng trầm của thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hà Thành

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục-Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong qui hoạch phát triển đô thị Hà Nội đến năm 2020, Hà Nội sẽ có qui mô gấp 4 lần hiện nay. Đặc biệt là sự phát triển lên phía Bắc và Đông Bắc với các dự án lớn: Khu đô thị Bắc Thăng Long, Khu công nghiệp Sài Đồng; Khu đô thị Đông Anh và Gia lâm, Ô Cách. Điều này cũng có nghĩa là chuyển sông Hồng từ con sông phân định địa giới phía Bắc Hà Nội, thành con sông chảy qua khu vực trung tâm đô thị, theo kiểu sông Seine (Paris), sông Danube (Budapest) với một hệ thống cầu đồ sộ nối liền 2 bờ Nam-Bắc gồm tám chiếc cầu, từ cầu vành đai liên tỉnh đến cầu cận trung tâm và cầu trung tâm.

Trong qui hoạch này, rõ ràng cầu Long Biên trở thành cầu dân dụng của khu dân cư trung tâm Hoàn Kiếm - Gia Lâm chứ không phải cầu vận tải, nó mang một ý nghĩa mới, cùng với cầu Tứ Liên và cầu Chương Dương tạo cảnh quan đô thị có sông chảy qua giữa thành phố.

Cần đối xử tinh tế như mọi đối tượng bảo tồn khác

Cầu Long Biên đã đi vào lịch sử Hà Nội như một nhân chứng chứng kiến các giai đoạn lịch sử của Hà Nội. Hơn 100 năm qua, cây cầu đã vượt xa khỏi công năng ban đầu là giao thông mà đã trở thành địa chỉ lưu giữ ký ức và nâng niu đời sống tinh thần người Hà Nội, trở thành một hiện vật khổng lồ trong bộ sư tập lịch sử - văn hóa đô thị Hà Nội.

 Long Biên là một phần linh hồn của Hà Nội. Ảnh: Hà Thành

Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính: Bộ GTVT đã sai lầm khi không chú trọng vấn đề bảo tồn di sản một cách thực sự. Hiện cả 3 phương án của Bộ đưa ra chỉ lấy giao thông làm trọng mà có nguy cơ làm biến dạng dẫn đến hủy hoại một di sản chung của người Hà Nội.

Các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng, không danh hiệu nhưng cầu Long Biên vẫn là di tích lịch sử, di tích kiến trúc trong quần thể di sản đô thị và cầu Long Biên cần được đối xử tinh tế như mọi đối tượng bảo tồn khác, có nghĩa là phải tôn trọng tuyệt đối tính nguyên mẫu của di tích./.

Theo Trà Xanh

VOV

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *