Đầu tư 15/06/2018 15:49

Làng gỗ Đông Kỵ mơ thành Cụm Công nghiệp thời 4.0

Danh sách tỷ phú ở Đồng Kỵ đang teo dần khi nhiều người bỏ nghề trước áp lực máy móc đã thay thế bàn tay người thợ. Một dự án có tên Cụm Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp Đồng Kỵ quy mô 50ha nhằm bảo tồn phát huy truyền thống làng nghề này đã được tính đến.

Làng gỗ Đồng Kỵ 

Làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Bắc Ninh tồn tại từ rất lâu đời và được coi là cái nôi của nghề mộc Việt Nam. Đồng Kỵ đã trở thành thương hiệu đồ gỗ nổi tiếng trên cả nước và ra cả nước ngoài với thị trường tiêu thụ chính là nội địa, đồng thời xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Theo Hiệp hội Gỗ Mỹ nghệ Đồng Kỵ - đại diện cho khoảng 500 hội viên, chế biến gỗ mỹ nghệ là nghề chính, đóng góp khoảng 90% tổng thu nhập cho cả làng nghề. Hằng năm, làng nghê tiêu thụ từ 35.000m2 đến 40.000m3 gỗ, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 15.000 lao động. Trong đó, 53% lao động đến từ các vùng miền lân cận tỉnh Bắc Ninh, với các sản phẩm chủ yếu là bàn, ghế, giường tủ, sập gụ…

Hiện nay, kàng nghề Đồng Kỳ có khoảng 3.500 hộ gia đình, trong đó 3.000 hộ tham gia nghề gỗ buôn bán, vận chuyển, chế biến, cung ứng gỗ nguyên liệu trong làng nghề. Tuy nhiên, theo Hiệp hội, hầu hết các hộ gia đình có không gian sống trộn lẫn không gian sản xuất, với diện tích trung bình  chỉ có khoảng 158m2.

Trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng cao, khách hàng đang ngày càng quan tâm đến các yếu tố môi trường. Thị trường nhập khẩu cũng có những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp. Năm 2017, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định VPA/FLEGT với các điều kiện kiểm soát chặt chẽ đối với nguồn gốc gỗ cho sản xuất, xuất khẩu…

Do vậy, để có điều kiện phát triển cũng như bắt kịp xu hướng thị trường, giai đoạn 4.0, Hiệp hội cho rằng, Làng nghề Đồng Kỵ cần một không gian sản xuất, chế biến gỗ tập trung với hạ tầng đồng bộ để chuyên môn hóa sản xuất, tận dụng và phát huy hiệu quả các dịch vụ logistics đi kèm. Đồng thời góp phần giúp các doanh nghiệp hộ dân của nghề có điều kiện kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn gốc gỗ sử dụng cho sản xuất, chế biến.

Một thực tế hiện nay là, các hộ sản xuất chế biến ở Đồng Kỵ hầu hết vẫn manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc rất lớn và thị trường Trung Quốc và đang phải cạnh tranh gay gắt với các làng nghề gỗ khác. Bên cạnh đó, mối lo ngại nghề truyền thống mai một đặt ra cho các đơn vị chức năng việc giữ được làng nghề hơn lúc nào hết càng trở nên cấp bách.

Đứng trước thực tế đó, Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, đại diện là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển gỗ Đồng Kỵ đã thực hiện xây dựng đề án “Làng nghề khởi nghiệp Đồng Kỵ”, với quy mô 50 ha tại thị xã Từ Sơn. Đề án xây dựng với kỳ vọng phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phường nhằm chuyển dần cơ cấu kinh tế của địa phương, đưa tiểu thủ công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, tận dụng tài nguyên lao động trong nhân dân và cải thiện điều kiện kinh tế của người dân trong vùng.

Đề án cũng đặt mục tiêu giúp các hộ gia đình và thanh niên khởi nghiệp với nghề truyền thống; giúp phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn, mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa của làng nghề Đồng Kỵ đồng thời giúp thanh niên làng nghề khởi nghiệp với nghề truyền thống là một hướng đi cần thiết để vực dậy sự hưng thịnh của các làng nghề.

Ngoài yếu tố bảo tồn nghề truyền thống, đề án còn mong muốn làm tăng nguồn thu cho doanh nghiệp cũng như địa phương khi tăng sản lượng và mở rộng thị trường đến các nước phát triển như Châu Âu, Nhật Bản…

H.Anh

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *