Đầu tư 28/11/2013 07:22

Không minh bạch giá điện, nền kinh tế phải trả giá đắt

Nếu Bộ Công thương đứng về phía người dân thì Bộ Công thương sẽ phải thực hiện việc công khai, minh bạch giá điện. Nếu Bộ Công thương đứng về phía EVN thì Bộ công thương sẽ lờ đi.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thẳng thắn chia sẻ với Đất Việt.
 
PV:- Theo Quyết định 69, giá điện bán lẻ bình quân sẽ được điều chỉnh khi thông số đầu vào xác định giá điện bình quân cơ sở thay đổi. Tuy nhiên, khi quyết định mức điều chỉnh thì lại căn cứ trên giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Như vậy, chức năng tham chiếu để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của giá điện bình quân cơ sở được thể hiện như thế nào? 


Ông Lê Đăng Doanh: 
- Tăng giá điện là gánh nặng của lạm phát, vì lạm phát, đồng tiền Việt Nam mất giá nên giá điện tính theo giá đô rất thấp so với các nước trong khu vực.

Do đó, không một nhà đầu tư nước ngoài nào muốn đầu tư vào ngành điện vì lỗ. Để kéo được nhà đầu tư, buộc EVN phải nâng giá điện. 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Nếu không nâng giá, đến một lúc nào đó sẽ phải cắt điện luân phiên vì không đủ nguồn điện cung cấp. Điều này không có lợi gì cho ngành kinh tế và xã hội. Nên việc nâng giá điện là bất khả kháng. 
 
Việc EVN dựa vào giá điện bán lẻ để tăng giá điện là điều đương nhiên, nhưng việc này cũng đồng nghĩa với gánh nặng tăng giá sẽ đè nặng lên đầu người dân. Vấn đề ở đây là EVN không công khai giá thành đầu vào và chi phí trong ngành.
 
Bên cạnh đó, về lâu dài phải có giải pháp kiềm chế được lạm phát, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng phải nâng giá điện liên tục. Như vậy sản xuất trong nước cũng không thể chịu được. 
 
PV:- Chọn mức cơ sở tính giá nhưng lại không căn cứ vào mức cơ sở đó để quyết định giá điện bán lẻ bình quân như vậy là nhằm mục đích gì và có thể gây hậu quả ra sao, thưa ông?  
 
Ông Lê Đăng Doanh:- Nếu giá đầu vào tăng lên thì được phép nâng giá điện. Nhưng tính toán giá điện đầu vào như thế nào, ai là người chịu trách nhiệm giám sát giá điện đầu vào thì không được quy định rõ. 
 
Tức là, EVN là cơ quan độc quyền nếu không có ai giám sát đầu vào sẽ dẫn đến sự tự tung tự tác của ngành điện, đồng nghĩa với việc gánh nặng tiếp tục đè nặng hơn cho nền kinh tế và cho người dân. 
 
PV:- Mức giá bình quân cơ sở được tính dựa trên những thông số đầu vào và mức lợi nhuận hợp lý cho bốn khâu nhưng mức giá bình quân cơ sở này chưa được công bố minh bạch cho dư luận. Mặt khác, Thanh tra Chính phủ vừa cho hay, EVN cộng cả biệt thự, xe sang, đầu tư ngoài ngành thua lỗ để tính giá điện. 
 
Theo ông, EVN được lợi gì từ sự thiếu minh bạch này? Sự thiếu minh bạch này của EVN phải được xem xét, xử lý như thế nào? 

Ông Lê Đăng Doanh: Việc EVN xây bể bơi, biệt thự, siêu xe tính vào giá điện và bắt dân phải chịu là hoàn toàn không hợp lý.

Tôi nói như vậy, là yêu cầu phải có cơ quan giám sát đầu vào của EVN. Vì EVN độc quyền nên vấn đề giám sát toàn bộ quản lý, chi phí là cực kỳ quan trọng. Nếu, nhà nước không thanh tra, giám sát được thì nền kinh tế sẽ phải trả giá rất đắt. 
 
PV:- Cũng theo Quyết định 69, Bộ Công thương hướng dẫn tính giá điện bình quân cơ sở và giá điện bán lẻ bình quân. Đồng thời Bộ Công thương lại kiểm tra giám sát việc điều chỉnh giá điện bình quân hàng năm. Sự chồng chéo giữa hai nhiệm vụ này có ảnh hưởng gì tới tính minh bạch của giá điện hay không, thưa ông? Dư luận băn khoăn, việc Bộ Công thương đồng tình với mọi quyết định tăng giá của EVN mà chưa thực hiện đầy đủ vai trò giám sát của mình, ông có chia sẻ với băn khoăn của dư luận hay không và tại sao?
 
Ông Lê Đăng Doanh: - Từ trước tới nay tôi thấy rằng việc tác động, giám sát của Bộ Công thương là rất hạn chế. 
 
Việc Bộ công thương tay trong tay ngoài như vậy thì rất khó có thể thực hiện đầy đủ vai trò giám sát của mình. Tôi cho rằng, bây giờ tất cả phải công khai minh bạch ra cho báo chí và người dân cùng giám sát. Phải có đơn vị thứ ba là các Hiệp hội khoa học kỹ thuật,cùng tham gia giám sát.
 
PV:- Trong thời gian tới, phải làm sao để tránh được tình trạng người dân gánh mọi khoản thua lỗ của EVN qua giá điện? 
 
Ông Lê Đăng Doanh:- Phải yêu cầu cầu EVN công khai minh bạch, cho đơn vị thứ ba thực hiện vai trò giám sát. Nếu chỉ có Bộ công thương thì vấn đề lợi ích nhóm chắc chắn sẽ được dư luận đặt ra. Và như vậy, thì Bộ Công thương đang đứng về phía EVN chứ không phải là đứng về phía người dân. 
 
PV:- Công khai minh bạch, thực hiện như thế nào, trong khi vấn đề này đã nói tới cả 5 năm nay mà không thực hiện được, thưa ông?
 
Ông Lê Đăng Doanh: - Vấn đề công khai minh bạch đã được quy định rất rõ và các nhà chuyên môn cũng đều tính toán được. Việc không công khai, minh bạch được giá điện là do Bộ Công thương không muốn thực hiện. Đó là một thiếu sót và chúng ta cần phải yêu cầu. 
 
Điều này chứng tỏ, nếu Bộ Công thương đứng về phía người dân thì Bộ Công thương sẽ phải thực hiện. Nếu Bộ Công thương đứng về phía EVN thì Bộ công thương sẽ lờ đi.
 
PV: Trách nhiệm thực hiện việc này thuộc về ai, thưa ông? Và nếu nơi đó không thực hiện đúng trách nhiệm thì phải bị xử lý như thế nào, thưa ông?
 
Ông Lê Đăng Doanh: - Trách nhiệm công khai là thuộc về EVN, EVN phải công khai, minh bạch. Bộ Công thương với chức năng giám sát của mình thì nên để Liên hiệp hội năng lượng, các Liên hiệp hội của các hiệp hội khoa học kỹ thuật tham gia giám sát. 
 
Hiện tại chưa có quy định nào quy định xử lý cụ thể, nhưng tôi cho rằng, dư luận cần phải lên tiếng yêu cầu Bộ Công thương thực hiện đúng chức năng, vai trò giám sát của mình.
 
 Xin cảm ơn ông!
 
Bộ Công thương có "làm ngơ"

Tại văn bản chất vấn, đại biểu Huỳnh Nghĩa - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng viết, trước kết luận của Thanh tra Chính phủ với nhiều thông tin được báo chí nêu, cử tri rất bất bình cho rằng: từ trước đến nay, dư luận rất bức xúc không đồng tình là giá điện không minh bạch. Thế nhưng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương luôn giải thích theo hướng giá điện đã minh bạch rồi. Nay đã quá rõ, vì Thanh tra Chính phủ đã kết luận…

Vậy xin Bộ trưởng cho biết, vai trò quản lý ngành đáng ra phải phát hiện, ngăn chặn, những vấn đề tiêu cực của EVN từ lâu, trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng Bộ vẫn “làm ngơ”. Trách nhiệm thuộc về ai và hướng xử lý thế nào?

Trả lời vấn đề này, Bộ Vũ Huy Hoàng cho biết, với kết luận ngày 30/9/2013 về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN, đây chỉ là ý kiến bước đầu của Thanh tra Chính phủ, hiện đang được trình Thủ tướng.

Và theo quy định, sau khi các bộ ngành liên quan như Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương và cả EVN có ý kiến làm rõ những vấn đề do Thanh tra nêu, Thủ tướng sẽ có ý kiến và khi đó mới là kết luận cuối cùng.

Sau khi có kết luận của Thủ tướng, với vai trò bộ quản lý nhà nước với hoạt động điện lực nói chung và quản lý EVN nói riêng, Bộ Công Thương sẽ kiên quyết chỉ đạo xử lý những sai sót (nếu có) của EVN do nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng quả quyết.

Đối với những bất cập do nguyên nhân khách quan hoặc do cơ chế, Bộ trưởng “hứa” sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng để có các giải pháp khắc phục phù hợp.
 
Theo Nguyễn Vũ
Báo Đất Việt
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *