Đầu tư 13/01/2014 07:09

Khi bảo vệ quá hống hách, xúc phạm công nhân

Vụ xô xát nghiêm trọng tại công trường của Cty Samsung Thái Nguyên (huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) không chỉ thêm một lần cảnh báo về những cách ứng xử coi thường công nhân của lực lượng bảo vệ, về những mâu thuẫn âm ỷ không được phát hiện và xử lý kịp thời và cả việc tuyên truyền chính sách pháp luật, nội quy lao động với công nhân, đặc biệt là lao động mùa vụ - những người vốn đã yếm thế trong quan hệ lao động - không được chú trọng…

 
Đạp cặp lồng cơm - Hành vi xúc phạm danh dự
 
Theo báo cáo Thủ tướng của UBND tỉnh Thái Nguyên thì vào khoảng 6h50 ngày 9.1, tại cổng số 3 của Nhà máy Samsung Thái Nguyên (huyện Phổ Yên) xảy ra vụ va chạm giữa công nhân (CN thuộc nhà thầu xây dựng của Dự án Samsung và nhân viên bảo vệ của Cty dịch vụ bảo vệ Hòa Bình , dẫn tới xô xát giữa hai bên. Giữa lúc xô xát, bỗng có tiếng kêu “nhân viên bảo vệ đánh chết người”. Ngay lập tức, đám đông CN của nhà thầu ùa vào bao vây đuổi đánh và ném đá về phía các nhân viên bảo vệ (lúc đầu có khoảng 1.000 người, sau đó tăng lên đến khoảng vài nghìn người).
 
Theo các CN làm việc tại Cty Samsung Thái Nguyên, các bảo vệ tại đây thường xuyên hống hách, hành hung CN, khiến cho CN bức xúc, dẫn đến hàng ngàn CN ở đây đã bạo động xông vào đánh bảo vệ, đốt xe, đốt phòng trực, thậm chí chống trả lực lượng cảnh sát khi đến để vãn hồi trật tự. Anh Nam - một công nhân tại công trường Cty Samsung Thái Nguyên - cho biết: Do Cty không có nhà ăn nên đến giờ ăn, CN phải ra các tiệm cơm bình dân trước cổng để ăn, cũng có một số người mang cơm vào công ty. Nhưng khoảng hai hôm trước thời điểm xảy ra vụ xô xát, công ty không cho  mang cơm vào nữa và cũng không thông báo trước, nên khi một CN mang cơm vào thì các bảo vệ ở đây không cho. Bảo vệ còn dùng chân đạp hộp cơm và hành hung CN này. Khi một CN khác thấy bất bình đến can ngăn thì các bảo vệ đã quay sang tấn công và dùng dùi cui điện chích công nhân này ngã gục.
 
Theo ý kiến của một số luật sư, lỗi đầu tiên trong sự việc nêu trên thuộc về nhóm bảo vệ khi đã có một số hành động thái quá, thậm chí là vi phạm pháp luật đối với những người công nhân. Cho dù người có vi phạm nội quy thì việc giằng cặp lồng cơm trưa của người CN vứt xuống đất là một hành động xúc phạm đến danh dự của họ, đáng bị lên án về mặt đạo đức; còn việc dùng dùi cui điện chích bất tỉnh người CN là một hành vi xâm phạm đến sức khỏe của họ, cần phải bị xử lý về mặt pháp luật. Chính hai việc trên xảy ra cùng lúc đã là “giọt nước tràn ly” khiến những CN chứng kiến sự việc trở nên giận dữ, trong phút chốc không kiểm soát được bản thân dẫn tới những hành động trên.
 
Cấm mang cơm... mới ban hành

Nói về số CNLĐ gây ra vụ xô xát ở Nhà máy Samsung Thái Nguyên, ông Hoàng Anh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Phổ Yên - khẳng định, lâu nay CNLĐ đang làm việc tại nhà máy vẫn được phép mang cơm và đồ ăn vào dùng tại công trường. Từ trước tới nay chưa hề có nội quy hay quy định nào của BQL công trường yêu cầu NLĐ không được phép mang đồ ăn vào khu vực thi công. Thực tế, do NLĐ làm khoán công việc nên họ muốn tranh thủ thời gian làm việc, nhiều khi mang cả đồ ăn vào công trường để tận dụng thời gian làm việc.

Hơn nữa, hầu  như tất cả các nhà thầu đều không tổ chức ăn ca cho NLĐ tại công trường, dịch vụ quanh khu vực nhà máy chưa phát triển nên họ phải tự lo bữa ăn. Nhưng đến thời điểm gần đây, khi nhiều thiết bị đưa vào nhà máy nên chủ đầu tư mới yêu cầu NLĐ không được mang đồ ăn vào. Nếu xét về lý, việc đưa thêm quy định mới, cấm NLĐ không được ăn uống tại công trường là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh thì phải được ban hành bằng văn bản cụ thể, và phía các nhà thầu phải có giải pháp tổ chức bữa ăn cho NLĐ. Nhưng cả 2 điều này đều không được thực hiện, gây khó khăn rất nhiều cho NLĐ.

Chính vì việc các nhà thầu tuyển LĐ theo thời vụ nên lực lượng này không được sinh hoạt một cách thực sự có tổ chức. Nhiều nhà thầu nhỏ đảm nhận việc xây dựng tuyển LĐ ở các vùng nông thôn, có khả năng làm thợ xây dựng và bỗng nhiên trở thành CN tại một công trường lớn, lại không có tổ chức CĐ đứng ra giáo dục, bảo vệ, nên họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

 
Cũng theo ông Hoàng Anh, số lượng vài nghìn người đến làm thuê ở công trường Nhà máy Samsung Thái Nguyên được góp nhặt từ nhiều tỉnh trong khu vực. Họ phải tự lo đi thuê nhà ở trong dân ở các xã Đồng Tiến, Hồng Tiến, Nam Tiến, thị trấn Ba Hàng... thuộc huyện Phổ Yên. Anh Trần Hải Phương - một thợ nề đang làm việc ở nhà máy, người may mắn không có mặt trong vụ việc sáng 9.1 - cho biết: “Tôi quê ở Hải Dương, theo nhóm thợ của bạn bè lên đây làm thuê. Chỗ ở thì phải thuê một gian trọ tại xã Đồng Tiến, tiền lương mỗi tháng cũng chỉ được khoảng hơn 3 triệu đồng và hết tháng này là hết việc, lại xem ở đâu có công trình xây dựng thuê thì làm tiếp, nếu không lại quay về quê làm ruộng”. Thực tế, những người được coi là CN như vậy làm việc ngày nào biết ngày đó và họ phải chịu mọi sự thiệt thòi do thiếu tổ chức đứng ra bảo vệ họ.
 
Lập lại trật tự ở khu vực Nhà máy Samsung

Theo đại tá Trần Văn Sơn - Trưởng công an huyện Phổ Yên - tại công trường Nhà máy Samsung Thái Nguyên hiện có khoảng 60 nhà thầu lớn, nhỏ. Các nhà thầu xây dựng này chủ yếu tuyển LĐ tự do vào làm việc để giảm chi phí, chứ họ chủ trương không duy trì một bộ máy hữu cơ cồng kềnh. Do đó, việc quản lý lực lượng đông lên tới vài nghìn người, ở lẫn trong dân gặp nhiều khó khăn.

Trước mắt, trong ngày 11.1, huyện Phổ Yên đã giải phóng toàn bộ lều quán dựng trái phép bên ngoài công trường. UBND tỉnh Thái Nguyên còn yêu cầu các nhà thầu xây dựng cần họp ngay để quán triệt cho CN xây dựng của mình chấp hành nghiêm các quy định về thời gian làm việc, các công cụ, dụng cụ được phép và không được phép mang vào nhà máy..., nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo CNLĐ; thực hiện những biện pháp thiết thực để tự bảo vệ cũng như thực hiện đầy đủ các quyền và lợi ích đối với CNLĐ.

Theo Phạm Chí - Phi Long

Lao động

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *