Đầu tư 23/04/2018 13:48

Hà Nội xem xét thông qua cơ chế, nguồn vốn 3 dự án đường sắt đô thị

Một trong các nội dung được UBND TP. Hà Nội đưa ra xem xét tại phiên họp sáng 23/4 đó là nghị quyết thông qua chủ trương cơ chế và nguồn vốn đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.

Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông) sắp đưa vào khai thác. Ảnh: Zing.

Ngày 23/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì phiên họp tập thể UBND TP thường kỳ tháng 4 nhằm xem xét, quyết định một số nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền UBND TP.

Theo đó, một trong các nội dung được UBND TP đưa ra xem xét đó là nghị quyết thông qua chủ trương cơ chế và nguồn vốn đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.

Các tuyến bao gồm: tuyến đường sắt đô thị số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), số 3 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai).

Theo lãnh đạo Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) có chiều dài gần 6 km. Đoạn đường sắt này được thiết kế đi ngầm với 6 ga ngầm với tổng mức đầu tư hơn 25.700 tỷ đồng, khai thác vào năm 2025.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 8,7 km với 7 ga ngầm tổng mức đầu tư hơn 38.600 tỷ đồng, dự kiến khai thác vào năm 2026. 

Tuyến thứ 3 là đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,4 km, tổng kinh phí hơn 66.800 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành năm 2025.

TP Hà Nội có thể huy động được khoảng 135.000 tỷ đồng trong 8 năm từ 2018 đến 2025 để thực hiện. Số tiền này đủ để cân đối xây dựng 3 tuyến đường sắt trên.

Trong trường hợp các nguồn lực nói trên chưa huy động đủ hoặc không kịp thời, Hà Nội sẽ phát hành trái phiếu bổ sung với tổng giá trị 20.000 - 25.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố mong muốn được để lại các khoản vượt thu hàng năm, số thu từ cổ phần hóa từ trước năm 2017 để đầu tư các dự án.

UBND Hà Nội cũng đưa ra 3 phương án đầu tư:

- Phương án 1 đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT nhưng có kết hợp đầu tư trả một phần bằng ngân sách thành phố và kết hợp nguồn đấu giá quyền sử dụng đất hoặc trả một phần quỹ đất đối ứng.

- Phương án 2, đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT, thanh toán bằng toàn bộ đất đối ứng nhưng nhà đầu tư thực hiện ứng vốn để thực hiện các dự án BT.

- Phương án 3, đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách đầu tư công của thành phố và hình thức áp dụng theo mô hình đối tác thực hiện dự án PDP. Phương án này học tập theo mô hình của Malaysia, nhà thầu được chủ đầu tư chỉ định thực hiện dự án.

Theo đó, nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm toàn diện từ thiết kế đến hoàn thành khai thác. Chủ đầu tư sẽ trả một khoản kinh phí dự trên kết quả khai thác hoạt động.

An Nguyên

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *