Đầu tư 15/10/2015 16:45

Doanh nghiệp Nhà nước bị “cấm cửa” đầu tư ngân hàng, chứng khoán, bất động sản

FICA - Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn hoặc mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm...

DNNN đang có vốn đầu tư ngoài ngành vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng... phải tái cơ cấu lại và chuyển nhượng lại toàn bộ số vốn đã đầu tư.
DNNN đang có vốn đầu tư ngoài ngành vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng... phải tái cơ cấu lại và chuyển nhượng lại toàn bộ số vốn đã đầu tư.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Nghị định yêu cầu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ khi có ngành nghề kinh doanh là bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với những doanh nghiệp đã góp vốn, đầu tư vào những lĩnh vực trên phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.

DNNN được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong đó bao gồm đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, phải đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư, phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.

Theo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành, Nhà nước thực hiện đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trong 3 trường hợp.

3 trường hợp gồm: Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc thực hiện tái cơ cấu lại những doanh nghiệp hoạt động ở một số ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phục vụ công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn chiến lược, biên giới đất liền, hải đảo; Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội.

Việc mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp được thực hiện thông qua mua lại cổ phần hoặc vốn góp tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.



Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, trong 2 năm 2014 - 2015, cả nước phải cổ phần hoá 432 doanh nghiệp. Lũy kế năm 2014 và 8 tháng 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 234 doanh nghiệp trong tổng số 432 doanh nghiệp, đạt 54% số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa. Như vậy, từ nay đến cuối năm, cả nước còn phải thực hiện cổ phần hoá 198 doanh nghiệp.

Phương Dung

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *