Đầu tư 28/05/2014 17:09

Doanh nghiệp cần kiên trì bám trụ và trọng chữ tín

Được xem là “điểm đến vàng” cuối cùng ở khu vực Đông Nam Á, Myanmar đang thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp (DN) nhà đầu tư nước ngoài trong đó có nhiều DN Việt Nam đến phát triển kinh doanh, đầu tư tại đây.

Hội chợ triển lãm Thương mại -dịch vụ -  du lịch Việt Nam - Myanmar do ITPC tổ chức tháng 6/2013

Hội chợ triển lãm Thương mại -dịch vụ - du lịch Việt Nam - Myanmar do ITPC tổ chức tháng 6/2013

Điểm đến vàng”

Bà Phó Nam Phượng – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) cho biết trong các chuyến khảo sát tìm hiểu thị trường Myanmar mới đây, nhiều DN cho biết Myanmar là một thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam. Người dân Myanmar rất ưa chuộng các sản phẩm Việt Nam vì chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đa dạng, giá cả đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, nhiều DN Myanmar cũng rất mong muốn hợp tác với DN Việt Nam.

Tiềm năng tiêu thụ của thị trường Myanmar còn rất lớn do ngành công nghiệp chỉ đáp ứng hơn 10% nhu cầu của người dân nên Myanmar đang nhập đến 90% hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng và 30% dân Myanmar có khả năng sử dụng hàng cao cấp, 70% còn lại ưa chuộng hàng hóa giá rẻ hoặc trung bình. Myanmar đang trong quá trình mở cửa và có nhiều tiềm năng phát triển, vì vậy các DN Việt Nam cần tìm hiểu chính sách luật pháp cũng như cơ hội đầu tư để nắm bắt cơ hội đầu tư kinh doanh.

Theo số liệu thống kê, năm 2012 kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam và Myanmar đạt 228 triệu USD, năm 2013 con số này tăng lên 300 triệu USD và dự kiến năm 2015 sẽ đạt  600 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn đứng sau nhiều nước xuất khẩu hàng hóa sang Myanmar như Singapore, Trung Quốc, Indonesia, Nhật, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc…

Về đầu tư tính đến cuối năm 2013, đã có 45 DN Việt Nam được cấp phép hoạt động; 19 doanh nghiệp đang chờ và 7 dự án đã được phía Myanmar cấp phép với tổng giá trị vốn đầu tư đăng ký hơn 600 triệu USD. Trong đó, một số dự án lớn phải kể đến như: Dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cho thuê Hoàng Anh Gia Lai; Dự án khai thác đá mable của Công ty CP Simco Sông Đà; Dự án liên doanh thăm dò dầu khí của Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP)…

DN cần kiên trì bám trụ và trọng chữ tín

Bà Phó Nam Phượng cho biết thêm còn rất nhiều các mặt hàng tiềm năng mà DN trong nước có thể khai thác xuất khẩu hiệu quả sang Myanmar trong thời gian tới. Cụ thể như thuốc trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản công nghệ, máy móc, thiết bị bảo quản, dự trữ, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản… Ngành dịch vụ cũng có nhiều điều kiện thuận lợi có mặt tại Myanmar như du lịch, viễn thông, hàng không, hàng hải, thiết kế xây dựng, cảng cá, kho hàng… Ngoài ra, DN trong nước còn có thể tăng cường hợp tác đầu tư với DN Myanmar trong các lĩnh vực khác như kỹ thuật trong các ngành nông lâm ngư nghiệp, phát triển trang trại, xuất khẩu chuyên gia nông nghiệp, y tế, giáo dục…

Nhiều DN cho biết Myanmar là thị  trường tiềm năng, kiên trì bám trụ sẽ phát triển tốt trong tương lai. Ngoài ra, các DN xác định cạnh tranh về chất lượng, không nhắm cạnh tranh về giá. Bởi hiện hàng hóa Việt Nam rất được người tiêu dùng Myanmar ưa chuộng. Nếu như trước kia hàng hóa của Thái Lan và Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường này, thì nay người tiêu dùng đã thấy “ngán” và sẵn sàng trả giá cao hơn cho các mặt hàng có chất lượng. Khi làm việc với đối tác cũng nói rõ không chủ trương sản xuất hàng giá thấp. Hầu như hàng xuất sang Myanmar đều mang nhãn hiệu của chính DN Việt Nam, có logo, tên công ty và địa chỉ liên hệ trên mỗi sản phẩm. Ngoài ra khi làm ăn với người Myanmar, DN phải hết sức trọng chữ tín. Một khi họ đã tin tưởng mình, công việc làm ăn sẽ rất thuận lợi.

Việt Nam hiện đặt muc tiêu tăng vốn đầu tư trực tiếp vào Myanmar từ mức 500 triệu USD (năm 2013) lên 2 tỷ USD và tăng kim ngạch thương mại song phương từ 300 triệu USD (năm 2013) lên 500 triệu USD vào năm 2015.

Việt Nam và Myanmar đã ký Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần, đồng thời cùng tham gia Hiệp định đầu tư ASEAN tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư.

Theo Ngọc Thảo

Báo Công thương

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *