Đầu tư 30/10/2014 08:25

Đầu tư nước ngoài đang chuyển từ "lượng" sang "chất"!?

FICA - Báo cáo về tình hình thu hút vốn đầu tư 10 tháng năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, số vốn đăng ký giảm nhưng vốn thực hiện đã tăng so với cùng kỳ.

Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang ngày càng chuyển biến từ “lượng” sang “chất” và đạt hiệu quả hơn.

 

 

Vốn FDI đang đi vào thực chất?

 

Theo thống kê mới được công bố của KH&ĐT, tổng vốn đăng ký 10 tháng đầu năm đạt 14 tỷ USD, giảm 30% so cùng kỳ, trong khi đó, vốn thực hiện lại tăng 5,9% so với cùng kỳ, đạt 10 tỷ USD. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: tình hình không có gì đáng ngại bởi vốn thực hiện (giải ngân) đang tăng, đây mới là vốn thực vào Việt Nam.

 

Cục trưởng Hoàng nhận định, vốn đăng ký FDI giảm không đáng ngại. Nó xuất phát từ chủ chương sàng lọc đầu tư FDI từ “lượng” sang “chất” của Việt Nam”. Bên cạnh đó, rất nhiều dự án ma, luồng vốn ma trong thời gian gần đây đã được ngăn chặn ngay từ … “vòng ngoài” do thiếu hiệu quả, không phù hợp quy hoạch, điển hình là ngành hạn chế đầu tư như: khai khoáng, hóa chất, thép – xi măng công suất nhỏ.

 

Các chuyên gia về chính sách đầu tư đều đồng ý trong thời gian qua có có rất nhiều dự án FDI đăng ký vốn lớn nhưng chỉ để chiếm đất, lấy phần nhằm bán dự án hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh sau 1 thời gian dài gia hạn. Các dự án này có chung đặc điểm thời gian dài,chiếm nhiều đất và chủ đầu tư đã thay đổi giấy chứng nhận đầu tư không dưới 2 lần để bán lại dự án hoặc kêu gọi các nhà đầu tư khác. Đây là những dự án được cấp cho các NĐT thiếu năng lực và hệ quả là vốn đăng ký lớn nhưng thực hiện luôn ở tình trạng thấp, nảy sinh nhiều dự án “treo” hàng chục năm.

 

G.S Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài cho biết, có hiện tượng DN Trung Quốc đầu tư dự án 20ha với số vốn trăm triệu USD. Sau 1 thời gian xoay vốn, họ xây dựng được hàng rào, trụ sở. Sau đó kêu khó khăn và xin cấp lại giấy chứng nhận đầu tư, kinh doanh để được chuyển sanng lĩnh vực khác có lợi hơn. Đồng thời, kêu gọi hình thức bắt tay hợp tác với các DN khác để cùng chia sẻ quỹ đất đầu tư.

 

Vốn giảm nhiều cũng không tốt!

 

Kể từ thời điểm năm 2010, đây là lần thứ hai vốn đăng ký FDI vào Việt Nam giảm sau lần thứ nhất vốn đăng ký FDI giảm vào năm 2012.  Hệ quả này 1 phần do chính sách sàng lọc các dự án đầu tư FDI theo Chỉ thị 1617/CT-TTg của Thủ tướng vào tháng 9/2011.

 

Thực tế, vốn thực hiện tăng so với năm trước là do vốn đăng ký các năm trước cao. Tuy nhiên, nếuvốn đăng ký FDI giảm liên tục trong năm nay và năm sau thì lấy gì để vốn thực hiện trong thời gian tới duy trì đà tăng? Đó là băn khoăn của các chuyên gia kinh tế về thực trạng thu hút và hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

 

“Cần có nghiên cứu về bản chất. Vốn đăng ký giảm là giảm các dự án có tính đầu cơ, chiếm đất hay là điều kiện kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư khó khăn khiến nhà đầu tư “chùn tay”. Các dự báo về tụt hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam mới đây, lạm phát thấp từ đầu năm đến nay và tồn kho tăng… chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lý NĐT. Những biến số này rất cần được tính toán và xem xét, phân tích”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

 

Theo ông Hoàng, vốn FDI ngày càng giảm lượng, tăng chất và đây là tiêu chí đầu tư mà các nước trên thế giới đều thực hiện. Môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam đang được đánh giá rất tích cực, hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được trình Quốc hội thông qua với nhiều cải cách lớn, trong đó loại bỏ rất nhiều lĩnh vực, ngành cấm đầu tư, kinh doanh.

 

Bên cạnh đó, các quy định về thuế, hải quan theo chuẩn của các nước trong khu vực đang được thực hiện sẽ là trợ lực lớn cho triển vọng đầu tư thời gian tới. Thêm nữa, các yếu tố về nguồn lực bên ngoài như việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song và đa phương từ năm 2015 như Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đang mở ra cơ hội đầu tư là rất lớn.

 

Tuy nhiên, những chính sách điều chỉnh của kinh tế vĩ mô sẽ có độ trễ chính sách khoảng từ 6 tháng cho đến 1 năm. Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới cần có hành động thực sự đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *