Đầu tư 04/05/2015 09:34

Đà Nẵng thẳng thắn nói 'không'

Chính quyền thành phố Đà Nẵng từ chối hai dự án FDI vốn đầu tư hàng trăm triệu đô trong khi một doanh nghiệp tại đây cũng vừa từ chối ODA.

Hai dự án Đà Nẵng từ chối là dự án xây dựng các nhà máy dệt nhuộm và may mặc với số vốn đầu tư dự kiến lên đến 200 triệu đô la Mỹ của tập đoàn Dệt may (Hồng Kông, Trung Quốc). Một công ty của Hàn Quốc cũng đặt vấn đề cần đến 30 héc ta đất để làm khu liên hợp dệt nhuộm. Tuy nhiên, theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, do hai dự án này đều có công đoạn nhuộm có khả năng gây ô nhiễm môi trường nên thành phố đã từ chối tiếp nhận.

 

Để đảm bảo môi trường du lịch và phát triển bền vững, Đà Nẵng có chủ trương chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch.

 

Đà Nẵng đã thẳng thắn nói
Đà Nẵng đã thẳng thắn nói "không" với dự án FDI dệt nhuộm

 

Trong khi đó, Cảng Đà Nẵng cũng vừa gây bất ngờ khi tuyên bố trước lãnh đạo thành phố rằng sẽ từ chối nguồn vốn ODA cho dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II. Trước đó, dự án này đã được thành phố đưa vào danh mục đề nghị Trung ương bố trí vốn ODA từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật ản (JICA).

 

Giải thích lý do từ chối vốn ODA cho dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II có mức đầu tư lên đến 1.200 tỷ đồng, ông Nguyễn Hữu Sia - Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng nói doanh nghiệp tự tin khả năng huy động vốn bên ngoài lẫn vốn tự có.

 

“Chúng tôi không hẳn là công ty mạnh về tài chính nhưng là đơn vị lành mạnh, cộng với khả năng phát triển khi nhiều năm liền tăng trưởng cao, vì vậy lạc quan về khả năng tự huy động tài chính để dự án hoàn thành đúng tiến độ cam kết”, ông Sia nói.

 

Từ chối tiết lộ con số cụ thể huy động từ mỗi nguồn, ông Sia cho hay công ty có nhiều đối tác là tổ chức tài chính đã cam kết tài trợ. Bên cạnh đó, một phần lớn sẽ được huy động thông qua sàn chứng khoán. Tỷ lệ còn lại là vốn tự có của doanh nghiệp.

 

Theo lãnh đạo này, hơn 10 năm qua, doanh nghiệp đã được ưu đãi ODA lên đến 950 triệu yen và đều sử dụng hiệu quả. "Chúng tôi đã trả gần hết số nợ này. Giờ doanh nghiệp đã chuyển sang công ty đại chúng, tài chính lành mạnh nên thấy có thể tự lực được thì không lý gì cứ dựa vào vốn ưu đãi mãi", vị Tổng giám đốc nói thêm.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao sự thẳng thắn của doanh nghiệp và chính quyền thành phố Đà Nẵng. Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, mỗi địa phương có thế mạnh riêng để phát triển kinh tế do đó cần có quy hoạch cụ thể, không nên trùng lắp. Bà đồng tình với cách làm của Đà Nẵng là thẳng thắn từ chối các dự án dệt nhuộm để bảo vệ ngành du lịch địa phương cũng như thu hút công nghệ cao, sản xuất sạch.

 

Trong khi đó, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới khi trao đổi với Đất Việt tỏ ra không bất ngờ trước quyết định từ chối ODA của Cảng Đà Nẵng bởi nó minh chứng doanh nghiệp làm ăn thực sự.

 

"Thông thường trong kinh tế với doanh nghiệp đi vay họ sẽ vay đồng tiền đang có giá, khi đó mới được nhiều. Mà với đồng tiền thường có khoảng giao động, nếu đang ở mức cao một thời điểm nào đó lại đi xuống và ngược lại.

 

(...) Hiện đồng Yên giảm so với đô la 30%, nếu vay 4 năm sau trả mà đồng Yên tăng lên so với đô la khoảng 20% thì doanh nghiệp chết sặc, không làm gì cho lại được so với số tăng này.

 

Nhật Bản đang dễ dãi với đồng Yên nhưng sau này kinh tế Nhật Bản tốt lên, chắc chắn họ sẽ có chính sách nâng lãi suất. Khi đó đồng Yên lên giá vào đúng thời điểm trả nợ là chết. Vì vậy tôi cho rằng doanh nghiệp đã tính toán đúng".

 

"Tôi nghĩ rằng hơn lúc nào hết doanh nghiệp bây giờ phải tính để làm ăn có lãi, nhất là với công ty đã cổ phần hóa. Hành vi tự tìm rào chắn rủi ro là cần thiết dù biết rằng tìm nguồn vốn là câu chuyện muôn thuở của doanh nghiệp.

 

Nhưng phải thừa nhận một điều, nếu đó là doanh nghiệp hoàn toàn của nhà nước chắc chẳng ai tính toán. Họ sẽ cứ vay còn làm ăn lỗ lãi sau này có nợ thì người sau lên kế nhiệm sẽ lo.

 

Còn một điều rõ ràng dù vay nguồn nào thì cũng phải trả nên việc đặt lên bàn cân lúc này là điều đương nhiên", ông Sơn nhận định.

 

Theo An Nhiên

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *