Đầu tư 21/05/2019 09:53

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung giúp dòng vốn FDI vào Việt Nam gia tăng

Đây là đánh giá của các chuyên gia phân tích từ Chứng khoán Bản Việt (VSCS) trong một báo cáo vĩ mô vừa công bố gần đây.

Tại báo cáo vĩ mô vừa được công bố, các chuyên gia từ Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% YoY. Trong khi đó, FDI đăng ký mới, tăng thêm và thông qua M&A tăng mạnh 81% so với cùng kỳ năm ngoái lên 14,59 tỷ USD.

Trung Quốc đứng thứ 4 với tổng vốn FDI đăng ký đạt 1,7 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Trung Quốc dẫn đầu về FDI đăng ký cho các dự án mới với 1,3 tỷ USD, so với 230 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng rất mạnh trong 4 tháng đầu năm

Báo cáo cũng ghi nhận sự cải thiện nhẹ trong tăng trưởng xuất khẩu trong khi nhập khẩu tăng mạnh, làm giảm thặng dư thương mại từ đầu năm.

Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 78,8 tỷ USD (tăng 5,8% YoY) và 78,1 tỷ USD (tăng 10,4% YoY) khiến thặng dư thương mại giảm còn 711 triệu USD.

Đáng chú ý, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động trong tháng 4 đã tăng tốc mạnh 12% so với mức tăng 2,3% tháng 3. Kim ngạch xuất khẩu quý 2 có thể sẽ được hỗ trợ nhờ Samsung tung ra Galaxy Fold và các thiết bị 5G cũng như số lượng các đơn hàng xuất khẩu cải thiện theo như báo cáo PMI tháng 4 của Nikkei.

Tuy nhiên, VCSC cũng cho rằng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đặt ra thêm một số thử thách đối với hoạt động thương mại của Việt Nam.

Báo cáo của VCSC cho rằng, việc dự trữ ngoại hối tăng sẽ giúp hỗ trợ tỷ giá cho Việt Nam trước những tác động bên ngoài. Tỷ giá VND/USD tăng mạnh trong tuần cuối tháng 4 lên 23.280VND/USD, tăng 0,39% so với tháng trước và 0,45% so với đầu năm. Trong khi đó, NHNN cho biết đã mua vào khoảng 8,35 tỷ USD cho dự trữ ngoại hối nhờ dòng vốn ngoại dồi dào.

Tỷ giá VND/USD được cho là có thể sẽ tiếp tục tăng do căng thẳng thương mại Mỹ và Trung tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, VCSC cho rằng việc tăng cường dự trữ ngoại hối sẽ giúp NHNN tránh được những tác động bất ngờ từ bên ngoài khi cần thiết như đã xảy ra năm ngoái.

Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,9% YoY, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9%, so với mức tăng 8,9% cùng kỳ năm 2018. Áp lực lạm phát, đặc biệt do giá điện và xăng dầu tăng trong thời gian qua có thể ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhìn chung chỉ số CPI đến nay vẫn được kiểm soát nên chúng tôi cho rằng tác động này sẽ hạn chế.

CPI tháng 4 tăng 0,35% so với tháng 3 và 2,93% so với tháng 04/2018, chủ yếu do giá xăng tăng. So với cuối năm 2018, CPI tháng 4 tăng 1%. CPI trung bình 4 tháng đầu năm tăng 2,71% YoY, mức thấp nhất cùng kỳ 3 năm qua. Lạm phát có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong tháng 5 do 2 đợt tăng giá xăng trong nước ngày 17/4 và 2/5.

Mai Chi

Chuyên mục: Đầu tư , Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *