Đầu tư 09/07/2014 09:00

Biệt đãi Formosa: Việt Nam muốn được gì?

“Với Formosa, các mục tiêu của một dự án FDI (hút công nghệ,vốn,lao động…) dường như đều đi ngược lại nhất là với cách ưu đãi đặc biệt cho dự án này”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đã đưa ra nhận định như vậy trước việc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh được Chính phủ cho nhiều ưu đãi ở mức rất cao. Formosa được ưu đãi kịch trần, miễn tiền thuê đất 15 năm, miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định.

 

Biệt đãi ngược với kinh tế học?

 

Theo bản thuyết minh của Formosa Hà Tĩnh, giai đoạn 1 tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam số vốn 9,9 tỉ USD. 1/3 số tiền trên sẽ do các cổ đông Formosa Hà Tĩnh bỏ ra, số tiền đi vay ngân hàng quốc tế là 1/3 và 1/3 còn lại sẽ vay tại Việt Nam.

 

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh do có quy mô lớn, ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội (là dự án FDI có tổng vốn đầu tư lớn nhất hiện nay) nên được Chính phủ cho phép hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi cao nhất: 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn bốn năm và giảm 50% trong chín năm tiếp theo.

 

Nhận định về mức ưu đãi này, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng: “Việc biệt đãi Formosa không những làm triệt tiêu sự cạnh tranh của ngành thép trong nước mà còn lan tỏa sự lo ngại đến các ngành khác và toàn nền kinh tế vốn đã rất yếu niềm tin”.

 

Theo đó, phân tích thêm từ góc nhìn kinh tế, ông Trinh cho rằng: về nguyên tắc khi lựa chọn những ngành là ngành trọng điểm hoặc mũi nhọn thì ngành đó phải có độ lan tỏa về kinh tế cao, độ lan tỏa về nhập khẩu thấp, sử dụng năng lượng ít và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm cao.

 

Trong khi đó sản xuất thép đứng trong toàn bộ nền kinh tế đều không đáp ứng những tiêu chí này; chỉ số lan tỏa đến kinh tế trong nước thấp hơn mức bình quân chung của nền kinh tế (0,92) nhưng mức độ lan tỏa đến nhập khẩu cao hơn mức bình quân chung khá nhiều (1,5), do bản chất của ngành thép chỉ là cán thép nên mức độ nhập khẩu cao.

 

Ngoài ra ngành này sử dụng nhiều năng lượng và hàm lượng giá trị gia tăng không cao.

 

“Công nghiệp thép của ta, bản chất là một ngành gia công và hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Do vậy sự ưu ái này đang đi ngược lại quan điểm kinh tế học”, ông Trinh nhận định.

 

Phối cảnh tổng thể khu Liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn Formosa đầu tư xây dựng
Phối cảnh tổng thể khu Liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn Formosa đầu tư xây dựng

 

Biệt đãi để được cái gì?

 

TS Lê Đăng Doanh cũng có nhiều băn khoăn khi bàn tới việc phía sau những ưu đãi dành cho Formosa.

 

Theo TS Doanh, mỗi biện pháp đều dẫn đến một hiệu quả nhất định. Tuy nhiên với dự án Formosa nếu nói hiệu quả cho nền kinh tế với các biện pháp đã được áp dụng, thì : "Tôi không hiểu được Việt Nam sẽ được gì sau quá nhiều ưu đãi như vậy?”.

 

Cũng với nhiều băn khoăn, chuyên gia Bùi Trinh đặt câu hỏi: "Vấn đề đặt ra việc ưu đãi các doanh nghiệp FDI nói chung và nhất là với sự ưu ái đặc biệt cho Formosa phía Việt Nam nhằm mục đích gì?".

 

“Theo như cách nói của một số người cho rằng FDI sẽ thu hút lao động, thu hút sự chuyển giao công nghệ và cơ bản nhất là luồng tiền nhưng tất cả các mục tiêu này dường như đều ngược lại nhất là với cách ưu đãi đặc biệt cho Formosa”, ông Bùi Trinh phân tích.

 

Phân tích thêm nhận định của mình, chuyên gia Bùi Trinh cho rằng, trước khi có vụ lộn xộn ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh đã có nhiều cảnh báo của giới chuyên môn về cách quản lý các doanh nghiệp FDI.

 

Về chuyển giao công nghệ theo tính toán thông qua chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp thì đóng góp của nhân tố này vào tăng trưởng hầu như không có gì thậm chí là âm. Tính toán này tổng hợp từ số liệu báo cáo, đóng góp của TFP (chất lượng tăng trưởng) của khu vực này vào tăng trưởng không có gì do 2 yếu tố.

 

Thứ nhất do không hề có chuyển giao công nghệ; thứ hai do sự chuyển giá của các doanh nghiệp loại này; về lao động cũng không thu hút được bao nhiêu và nến nhìn từ lượng chi trả sở hữu thuần (net, property income) năm 2012 so với 2000 xấp xỉ khoảng 26 lần là việc nghiệm trọng và cần cảnh báo cách quản lý khối này.

 

Việc tăng trưởng của khối này có thể làm tăng trưởng một chỉ tiêu phù phiếm là GDP nhưng làm chỉ tiêu thực chất hơn giảm đi đáng kể.

 

“Kêu gọi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, những cảnh báo từ giới chuyên gia đã nhanh chóng rơi vào quên lãng và luồng tiền, của cải trong nước lại nhanh chóng chảy ra nước ngoài”, chuyên gia Bùi Trinh lo ngại.

 

Còn TS Lê Đăng Doanh cũng nói thẳng: “Ưu đãi như vậy thì các doanh nghiệp khác của ngành thép trong nước sẽ cạnh tranh làm sao? Điều rất đang lo ngại hơn đó là các biện pháp đặc biệt này không dừng ở đó và trong tương lai sẽ có bao nhiêu Formosa nữa đang chờ?”.

Theo Bích Ngọc

Đất Việt

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *