Đầu tư 20/02/2014 18:25

Bí thư Tỉnh ủy phát hoảng vì dân ồ ạt phá mía nuôi tôm

FICA - Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở các huyện Long Phú, Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bỏ cây mía chuyển sang đào ao nuôi tôm. Vấn đề này đang làm cho chính quyền lo lắng vì sự rủi ro của việc nuôi tôm ngoài quy hoạch.

Vừa mới đây, chúng tôi có mặt tại thị trấn Long Phú (huyện Long Phú) ghi nhận tình trạng phá mía đào ao nuôi tôm khá… rầm rộ.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp huyện Long Phú, thị trấn Long Phú là một trong ba địa phương có diện tích trồng mía lớn của huyện Long Phú với hơn 200ha. Nhưng bây giờ con số đó đã bị thu hẹp lại, diện tích mía ngày càng ít hơn để nhường chỗ cho ao tôm. Có một số ruộng mía vừa thu hoạch đã được thuê máy móc đào ao nuôi tôm.

Là người trồng mía lâu năm nhưng bây giờ ông Phạm Văn Trung (ấp 2, thị trấn Long Phú) phải “chia tay” với cây mía để tìm cơ hội đổi đời với con tôm. Ông Trung chia sẻ: “Gần hết cả đời mình tôi chỉ chuyên canh cây mía 1vụ/năm, thu nhập cũng khá ổn định nhờ mía có giá. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá mía thấp, năng suất giảm nên không lời bao nhiêu. Vì vậy, tôi quyết định phá mía, đào ao để nuôi tôm vì hiện nay tôm rất có giá”.

Từ quyết định trên, ông Trung đã chuyển 5.000m2 đất trồng mía sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo ông Trung, thời gian nuôi tôm thẻ ngắn, bán được giá cao. Nếu thành công thì đổi đời ngay chứ không “phập phồng” lo lắng như cây mía.

Bà Phạm Thị Thương (ngụ ấp 2, thị trấn Long Phú) cũng đào xong ao nuôi tôm rộng 3.000m2. Bà Thương cho biết: “Gia đình tôi có 20 công đất trồng mía nhưng cũng chỉ ở mức đủ ăn chứ không dư dả gì. Mấy năm nay mía mất giá, trong khi đó một số hộ xung quanh nuôi tôm đều được mùa được giá nên tôi cũng mạnh dạn đầu tư mấy chục triệu đồng để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng, hy vọng kinh tế gia đình ổn định hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ (ấp 2, thị trấn Long Phú), ở ấp này có hộ ông Nguyễn Văn Mỹ cũng đổi đời nhờ mạnh dạng phá mía để nuôi tôm. Trong năm 2012 và 2013, gia đình ông Mỹ nuôi thành công thu về tiền tỉ. Theo ông Đệ, nuôi tôm 3 vụ/năm, nếu thuận lợi thu lời nhiều hơn gấp mấy chục lần làm mía.

Ao tôm lấn dần ruộng mía ở Sóc Trăng.

Còn tại huyện Cù Lao Dung, diện tích đào mới ao nuôi tôm nước lợ phát triển với tốc độ khá nhanh. Theo ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2013 có nhiều hộ phá mía nuôi tôm với diện tích 110ha, còn từ đầu năm 2014 tăng lên hơn 200ha.

Ông Nguyễn Hoàng Phục (ấp Phạm Thành Hơn B, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung) cho biết: “Hiện, giá bán 1ha mía từ 43 - 50 triệu đồng, với mức này nông dân không có lãi. Trong khi đó, 1ha đất trồng mía nếu cho thuê là 350 triệu đồng trong thời gian 5 năm và người thuê trả tiền một lần. Như vậy, bình quân 1 công đất (1.000m2) cho thuê được hơn 5 triệu đồng, người trồng mía không cần đầu tư cũng thu lợi nhuận 5 triệu đồng/năm. Chính vì thế, những ruộng mía nhanh chóng được chuyển sang ao nuôi tôm ngày càng nhiều.

Bản thân ông Phục cũng vừa đầu tư đào 4.500m2 ruộng mía sang nuôi tôm. Theo ông Phục, tính hết chi phí đầu tư cho 4.500m2 này hết khoảng 170 triệu đồng nhưng nếu nuôi tôm trúng sẽ thu hồi vốn rất nhanh.

Ông Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Văn Nhứt (cùng ngụ tại ấp Phạm Thành Hơn B) cũng mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng đào ao nuôi tôm với hy vọng con tôm sẽ thay đổi cuộc sống của gia đình sau bao năm gắn bó với cây mía. Ông Nguyễn Văn Phước cho biết: “Gia đình tôi có 2.500m2 đất trồng mía nhưng mấy năm nay lỗ nhiều nên sau vụ mía này tôi sẽ thuê máy đào ao nuôi tôm. Tôi có người anh đã nuôi thành công mấy vụ trước nên tôi cũng không lo lắm”.

Điều đáng lo ngại từ thực trạng này là việc nuôi tôm không nằm trong quy hoạch mà chủ yếu là tự phát của người dân. Nếu ở thị trấn Cù Lao Dung nhiều hộ phá mía đào ao nuôi tôm thì tại xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung) chúng tôi thấy có một số hộ đào duy nhất 1 ao nuôi tôm giữa bạt ngàn mía xanh ngát. Việc nuôi lẻ như vậy sẽ dẫn tới rủi ro rất cao.

Ông Đào Văn Bảy- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng- cho rằng: “Tình hình nuôi tôm tự phát, ngoài vùng quy hoạch, là điều đáng lo ngại vì khả năng đáp ứng nguồn nước mặn sẽ tổn hại đến tài nguyên nước ngầm và cả khả năng bùng phát dịch bệnh. Do vậy mà người nuôi tôm phải hết sức thận trọng không chạy theo thị trường để đầu tư tràn lan”.

Trước thực trạng phá mía đào ao nuôi tôm ở các địa phương trên, ông Quách Văn Nam- Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Sóc Trăng- khuyến cao: “Tình hình tự phát phá mía nuôi tôm ở Cù Lao Dung là không nên. Tôi đề nghị địa phương cần làm rõ những tổn hại để cảnh báo nông dân. Vấn đề là phải làm đúng quy hoạch để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất”. 

Mía mất giá, người dân đổ xô chuyển sang nuôi tôm hy vọng làm giàu.

Ông Võ Minh Chiến- Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng- băn khoăn: “Bà con phá mía nuôi tôm ồ ạt như vậy rất đáng lo. Chúng tôi nghe báo cáo đã có khoảng trên 300ha đất trồng mía đã thành ao nuôi tôm. Nếu dừng lại con số 300ha đó thì còn đỡ nhưng chúng tôi lo diện tích mía ngày càng thu hẹp lại nhường đất cho con tôm thì thật đáng ngại”.

Theo ông Chiến, huyện Long Phú, Cù Lao Dung là vùng nguyên liệu mía cho nhà máy đường Sóc Trăng. Nếu mía không còn thì nhà máy sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, nuôi tôm như vậy thì rất khó tránh khỏi rủi ro. “Về lâu dài, chưa ai dám chắc con tôm sẽ bén duyên mãi với đất mía. Nếu như trước đây bà con phá mía trồng cây ăn trái hoặc phá cây ăn trái trồng mía thì còn được chứ phá mía đào ao nuôi tôm rồi thì không thể nào trồng cây gì dưới ao tôm được cả, kể cả trồng lúa”, ông Chiến quan ngại.

                                                                                                           Bạch Dương

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *