Đầu tư 08/08/2015 07:29

"Sóng" đầu tư từ Nhật Bản tiếp tục tăng

Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam đang chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) nước này tiếp tục vào nước ta, đặc biệt là sau chiến lược Trung Quốc+1, Thái Lan+1...

Tăng đầu tư

Ngày 31/7, Tập đoàn Forval đã hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa và Công ty CP Cảng container Đồng Nai công bố thành lập Công ty CP Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản (JSC) với vốn đầu tư 772 tỷ đồng.

Theo đó, JSC sẽ xây dựng khu hạ tầng nhà xưởng dành riêng cho các DN nhỏ và vừa Nhật Bản tại KCN Nhơn Trạch 3 trên diện tích 18,2ha.

Ông Okubo Hideo, Chủ tịch Tập đoàn Forval và là Chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ DN Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài, cho biết, cộng đồng DN nhỏ và vừa của Nhật đang có xu hướng đầu tư ra nước ngoài nhưng không có nhu cầu thuê đất trống mà muốn thuê nhà xưởng có sẵn để rút ngắn thời gian đầu tư ban đầu.

Vì vậy, việc xây dựng khu hạ tầng nhà xưởng có sẵn để thu hút DN nhỏ và vừa Nhật Bản là mô hình hiệu quả.

Trước đó, ngày 26/7, Quỹ Đầu tư Creed Group (thuộc Creed Group - Nhật Bản) đã ký kết đầu tư 200 triệu USD vào Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia.

Bên cạnh đó, Creed Group cũng cung cấp các khoản vay cho An Gia mua dự án, xây dựng những dự án nhà ở chất lượng cao Nhật Bản tại TP.HCM.

 

 

Ngoài đầu tư tài chính, Creed Group còn chuyển giao công nghệ phát triển bất động sản cho An Gia. Nhưng đây chỉ là bước khởi đầu trong chiến lược hợp tác giữa hai bên. Nhà đầu tư này cho biết sẽ tiếp tục tăng đầu tư nếu thị trường bất động sản phát triển tốt.

Trước khi hợp tác với An Gia, Creed Group cũng đã liên kết với Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy phát triển dự án 10.000 căn hộ tại TP.HCM. Một tập đoàn khác của Nhật là Kyocera Mita hồi tháng 5 cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Hải Phòng với vốn 200 triệu USD.

Dự án được xây dựng tại Khu Đô thị, Công nghiệp và Dịch vụ Việt Nam - Singapore (VSIP Hải Phòng) với diện tích 20ha, chuyên sản xuất các loại máy in, máy photocopy để xuất khẩu sang 140 quốc gia trên thế giới.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối quý II/2015, VN đã thu hút 2.551 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 37,7 tỷ USD.

Riêng tại TP.HCM, có đến 787 DN Nhật Bản đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ bán lẻ, bất động sản, chế tạo và khoa học công nghệ...

Đầu tháng 6/2015, đoàn DN do ông Iwasaki Yasuo, Phó thống đốc tỉnh Saitama dẫn đầu đã đến TP.HCM trao đổi cơ hội hợp tác với Thành phố. Tiếp tục xu hướng tăng đầu tư, trong buổi kết nối DN Việt Nam và DN Nhật Bản trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm tổ chức tại TP.HCM ngày 31/7, 25 DN Nhật cũng đã gặp gỡ hơn 100 DN Việt Nam để tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại đây.

 

 

Chia sẻ tại diễn đàn "Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Nhật Bản 2015" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 31/7 tại TP.HCM, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), cho biết, từ năm ngoái đến nay đã có hơn 6.000 lượt doanh nhân Nhật đến cơ quan này tìm hiểu thông tin về thị trường Việt Nam với mong muốn đầu tư và mở rộng kinh doanh tại đây.

 

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối quý II/2015, Việt Nam đã thu hút 2.551 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 37,7 tỷ USD. Riêng tại TP.HCM, có đến 787 DN Nhật Bản đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, chế tạo và khoa học công nghệ…

 

Trong đó, 60% DN quan tâm đến ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, bán buôn, bán lẻ, số còn lại tìm hiểu cơ hội trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến.

 

Tăng dịch chuyển

 

Với lợi thế về lao động và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, một số DN Nhật Bản đang đầu tư tại Thái Lan và Trung Quốc đã quyết định chọn VN làm điểm đến tiếp theo.

 

Các DN Nhật đã và đang có chiến lược TQ +1 đã chọn Việt Nam thay vì các quốc gia khác. Khảo sát của Jetro cho thấy, có đến 1/4 DN đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết sẽ chuyển đến Việt Nam trong vài năm tới.

Theo ông Okubo Hideo, bên cạnh những DN lớn, hiện Nhật Bản có 33.000 DN nhỏ và vừa.

 

Do chi phí lao động ngày càng cao nhưng lực lượng lao động hạn chế nên nhiều DN Nhật có xu hướng dịch chuyển ra nước ngoài và VN là điểm đến ưa thích. "Làn sóng đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong đó có hình thức ủy thác sản xuất", ông Okubo Hideo nói.

 

 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hirotaka Yasuzumi cho rằng, làn sóng chuyển dịch DN từ Trung Quốc sang nước thứ 3 đã diễn ra vài năm nay, tuy nhiên, hiện nay, xu hướng này đang tăng mạnh.

Lý do là vì chi phí lao động tại Trung Quốc ngày càng cao và nhiều trở ngại khác. Trong khi đó Việt Nam lại có điều kiện để đầu tư và phát triển nhờ nguồn lao động trẻ và chi phí lao động thấp.

Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 của khu vực Đông Nam Á và thị trường này đang tiếp tục mở ra khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay. Thêm vào đó, môi trường đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng cải thiện và hiệu quả hoạt động của các DN cũng phát triển.

Khảo sát do JETRO thực hiện năm 2014 cho thấy, có đến 66% DN Nhật có mặt tại Việt Nam muốn mở rộng hoạt động trong vòng vài năm tới vì hiệu quả kinh doanh tốt.

Có đến 84,4% DN Nhật tham gia khảo sát cho biết doanh thu năm 2014 cao hơn năm 2013, với khối sản xuất, đến 70% DN nhìn thấy tiềm năng cao tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh những điều kiện tốt từ nơi thu hút đầu tư, sự hậu thuẫn từ các ngân hàng Nhật Bản cũng giúp các DN Nhật mạnh dạn mở rộng kinh doanh. Một trong những "trợ lực" của nhà đầu tư Nhật là Tokyo Mitsubishi UFJ, ngân hàng lớn nhất nước với vốn hóa lên đến 170 tỷ USD.

Ông Nobuyuki Hirano, Chủ tịch Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ trong buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 4 vừa rồi cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho các DN Nhật đầu tư vào Việt Nam cũng như hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng và phát triển nông nghiệp.

Theo DNSG

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *