Đầu tư 26/09/2014 14:14

"Công nghiệp công nghệ cao vẫn là niềm mơ ước của Việt Nam"

FICA - Theo bà Trương Thị Chí Bình - thành viên Ban soạn thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp công nghệ cao đã và luôn là niềm mơ ước của nền công nghiệp Việt Nam.

Ngày 25/9/2014, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo nhằm tham vấn, trao đổi ý kiến về việc xây dựng Dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam.

CNHT là nền tảng đặc biệt quan trọng trong phát triển công nghiệp, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.

Hiện tại, danh mục sản phẩm CNHT được ưu tiên phát triển bao gồm sản phẩm trong 6 nhóm ngành: cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất CNHT vẫn chưa tiếp cận được các ưu đãi của Chính phủ trong lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, hiện cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng linh, phụ kiện hỗ trợ các ngành công nghiệp xe máy, ô tô, điện tử... Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tập trung chủ yếu ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.

Mặc dù bước đầu các doanh nghiệp này đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại một số hạn chế như: tỷ lệ cung ứng trong nước cho các ngành ô tô, điện tử, đóng tàu chỉ chiếm khoảng 10-15%; lực lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu; số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số doanh nghiệp của toàn nền kinh tế...

Trong khi đó, thời điểm có hiệu lực cả các cam kết quốc tế đang đến gần (AFTA năm 2018...), đặt ra các cơ hội cũng như những thách thức, áp lực ngày càng nặng nề cho ngành công nghiệp của Việt Nam.

Dự thảo Nghị định về CNHT đã hoàn thành với 4 chương, 37 điều. Theo mục tiêu nêu tại dự thảo, Việt Nam sẽ đẩy nhanh phát triển số lượng của doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT khoảng 45% đến năm 2020 và 60% đến năm 2025.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Ô tô Trường Hải.

Góp phần tham luận, bà Trương Thị Chí Bình, thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định đánh giá,  những thất bại trong lĩnh vực CNHT thời gian qua là do dung lượng thị trường nội địa còn nhỏ trong khi sự chi phối của các nhà lắp ráp nước ngoài còn quá lớn, làm doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào chuỗi cung ứng.

Có thể thấy, hiện nay, phát triển nhất trong ngành CNHT ở Việt Nam là lĩnh vực linh kiện kim loại thuộc ngành cơ khí chế tạo ô tô, điện tử, máy nông nghiệp, máy công nghiệp; sau đó là linh kiện nhựa - cao su và lĩnh vực phụ liệu cho ngành Dệt may - Da giày. Theo bà Trương Thị Chí Bình, bức tranh này cho thấy, ngành công nghiệp công nghệ cao đã và luôn là niềm mơ ước của nền công nghiệp Việt Nam.

Đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam góp ý, để Nghị định hoàn thiện và có ý nghĩa thiết thực hơn nữa, Dự thảo nên bổ sung danh mục một số linh kiện đóng vai trò quan trọng trong sản xuất sản phẩm như linh kiện bán dẫn phục vụ cho máy in, linh kiện lò xo, băng dính, linh kiện tiện..., giúp doanh nghiệp giảm bớt khâu nhập khẩu linh kiện và hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Về việc thành lập Trung tâm phát triển CNHT trung ương và địa phương, đại diện Công ty Cổ phần Thép Bắc Việt bày tỏ quan điểm ủng hộ và cho rằng nên bổ sung các doanh nhân trong danh sách các chuyên gia của Trung tâm nhằm hỗ trợ, tư vấn ngành CNHT trong nước phát triển một cách thực tế, hiệu quả hơn.

Về cơ chế hưởng chính sách ưu đãi, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Ô tô Trường Hải cho rằng, trên thực tế có nhiều nhà sản xuất linh kiện của nước ngoài thuê địa điểm sản xuất linh kiên ở Việt Nam (nhằm tận dụng lợi thế về bất động sản và giá thành nhân công), sau đó xuất sản phẩm sang nước ngoài, như vậy doanh nghiệp này có thuộc thành phần doanh nghiệp CNHT được hưởng ưu đãi hay không?

Theo ông Dương, Bộ Công Thương nên xem xét cụ thể những khó khăn trong quá trình soạn thảo, để Nghị định đi vào thực tế và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn.

Đáp lại, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được cân nhắc để bổ sung, nhằm hoàn thiện Dự thảo. Nghị định về phát triển CNHT dự kiến sẽ được trình Chính phủ phê duyệt và ban hành vào cuối năm 2014.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *