Thời sự 04/02/2014 09:09

Đầu năm bàn chuyện vay hàng trăm tấn vàng dân “gối đầu giường”

FICA - Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lượng vàng trong dân hiện còn khoảng 250 tấn - 300 tấn, trong khi các tổ chức quốc tế ước tính con số này cao hơn nhiều. Vậy làm sao có thể huy động hàng trăm tấn vàng dân “gối đầu giường” hiện nay?

Đi tìm câu trả lời này, phóng viên FICA đã có cuộc phỏng vấn đầu Xuân với ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn VBĐQ DOJI.

 .

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn VBĐQ DOJI.

Sau thành công trong việc ổn định thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước, tại Hội nghị triển khai công tác 2014 của ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã đặt vấn đề làm sao thu hút được số lượng vàng rất lớn trong dân nhằm tăng thêm nguồn lực để phát triển kinh tế. Theo ông, làm sao để huy động được vài trăm tấn vàng đang được người dân “gối đầu giường” hiện nay?

 

Huy động vàng trong dân hay còn gọi là vay vàng của dân đã được nhiều chuyên gia đề cập, còn theo đánh giá của tôi, để triển khai vấn đề này cần được xem xét thấu đáo và chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi huy động vàng của dân cần phải trả lời được 3 câu hỏi: Huy động vàng trong dân để làm gì? Ai sẽ là người huy động vàng, ngân hàng thương mại hay là Ngân hàng trung ương? Huy động thông qua phương thức nào, phát hành chứng chỉ hay là hình thức vay vàng đơn thuần của dân?

Có vẻ như là việc huy động vàng của dân để có thể khai thác đựợc vài trăm tấn vàng đang được người dân tích trữ vào phát triển kinh tế thoạt nghe thì thấy rất hay nhưng khi tìm phương án triển khai, tôi có càm giác là không hề đơn giản.

Đã vay vàng của dân thì sẽ phải trả bằng vàng, vay vàng để bán ra lấy tiền đồng nhằm tăng cung tiền thì lúc này Ngân hàng trung ương đâu có quá thiếu tiền. Hơn nữa, nền kinh tế lúc này khó mà hấp thụ ngay được lượng vốn lớn, doanh nghiệp lại đang khó khăn, hàng tồn kho lớn, sức mua kém, tăng trưởng tín dụng vẫn vượt dốc, đầu tư công bị cắt giảm… Đó là chưa kể rủi ro của việc vay vàng của dân bán lấy tiền đồng cho nhu cầu tín dụng khi giá vàng biến động gây ra thua lỗ của một số ngân hàng thương mại, cái gương tày liếp vẫn còn đó.

Đấy là chưa kể đến lãi phải trả khi huy động vàng của dân, giả sử với 100 tấn vàng huy động, lãi phải trả 1%/năm thì số tiền trả lãi đã mất khoảng 1.000 tỷ đồng. Một số tiền không nhỏ nếu như chưa có phương sách gì để sử dụng số vàng này. Ngoài ra, nhà điều hành cũng có thể lo ngại rằng còn huy động vàng thì người dân còn giữ vàng để được hưởng lợi kép. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đã bị cấm hoạt động này.

Theo như ông nói thì phương thức huy động vàng có trả lãi là không khả thi, vậy thì làm sao có thể thu hút người dân đi gửi vàng với hình thức giữ hộ vàng không trả lãi hiện nay?

Phương thức này, hiện nay các ngân hàng thương mại đang nhận giữ hộ cho dân để người dân yên tâm không phải bảo quản tài sản tại nhà.Theo số liệu được quan sát thì số lượng này cũng không nhỏ thời điểm hiện nay.

Theo tôi, nếu số vàng này Ngân hàng trung ương thu gom lại và chuyển môt phần qua vốn tiền đồng đưa vào lưu thông thì không những không phải trả lãi mà có được ngay lượng vốn rất lớn để phục vụ việc đầu tư các công trình quan trọng về hạ tầng cơ sở.

 

Vậy còn phương thức phát hành chứng chỉ Vàng thì sao, thưa ông?

Để khai thác và sử dụng nguồn vốn vàng trong dân một cách hiệu quả cũng có thể phát hành chứng chỉ bằng Vàng để huy động vốn. Ngân hàng Nhà nước sẽ có lượng vàng vật chất để chuyển đổi thành ngoại tệ hay tiền đồng trên thị trường quốc tế hoặc trong nước.

Còn khi người dân gửi vàng cho Ngân hàng Nhà nước thì sẽ được nhận Chứng chỉ Vàng (CCV) có giá trị tương ứng. Chứng chỉ này có giá trị như vàng vật chất để mua, bán, cầm cố, giao dich dân sự. CCV này được phép cũng tương tự như sổ tiết kiệm có thể được rút trước hạn toàn bộ hay một phần số vàng này khi người dân có nhu cầu. Như vậy, thay vì sử dụng vàng vật chất, người sở hữu vàng sẽ sử dụng CCV cho tất cả các hoat động thương mại hay dân sự.

Tuy nhiên, nếu CCV không được rút trước hạn như các loại chứng chỉ thông thường và lại không được hưởng lãi thì có lẽ không có mấy người dân sử dụng hình thức này, trừ khi đó là Công trái yêu nước bằngVàng.

Còn giải pháp thu hút vàng trong dân thông qua các hoạt động mua - bán trên thị trường?

Đây là giải pháp căn cơ nhất để vàng hoàn toàn được chuyển đổi thành tiền cho mọi hoạt động cần vốn của người dân từ tiêu dùng, đầu tư sản xuất, bất động sản hay chứng khoán kể cả gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa được hồi phục, lạm phát tuy đã được không chế và kiểm soát nhưng chưa thật bền vững, niềm tin vào sức mạnh của đồng nội tệ mới bắt đầu được khôi phục, thì người dân vẫn còn thói quen “ tích cốc phòng cơ “ bằng vàng.

Thời gian gần đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên có một sàn giao dịch vàng quốc gia. Là người “trong nghề”, ông thấy ý tưởng này thế nào?

Theo suy nghĩ của tôi, trong điều kiện hiện nay thì có lẽ sàn Giao dich Vàng kể cả sàn giao dịch vàng quốc gia đi chăng nữa cũng chưa thể triển khai ngay được, còn nhiều rào cản kỹ thuật cho rõ ràng như ai sẽ là người tham gia làm thành viên của sàn, các market maker là ai, việc sử dụng các công cụ phái sinh đã được phép chưa. Có lẽ sàn vàng ra đời có thể giải quyết được vấn đề nhu cầu kinh doanh mua bán vàng vật chất sẽ được thay thế bởi giao dịch trên sàn qua các lệnh mua bán chứ không phải qua số lượng vàng vật chất giao dịch thật lẫn nhau giữa các thành viên thông qua giá tham chiếu.

Giải pháp sàn vàng để giải quyết bài toán huy động, thu hút vàng của dân có vẻ chưa đúng đối tượng.

Trong các phương án trên, huy động vàng dù là trả lãi hay không, giữ hộ vàng vật chất hay qua CCV thì việc chuyển đổi vàng của người dân ra tiền đồng phải bảo đảm bất cứ khi nào người dân có nhu cầu rút vàng thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đáp ứng và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm an toàn vốn khi thị trường vàng thế giới vẫn còn tiềm ẩn những dấu hiệu bất ổn khó lường.

Trở ngại cốt tử này, trong điều kiện hiện nay khi mà Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, độc quyền sản xuất vàng miếng, có đầy đủ các công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường vàng quốc tế thì hoàn toàn có thể khắc chế được. Và hơn hết với những thành công và kinh nghiêm trong việc cầm cương và cơ bản thuần phục được “con ngựa bất kham” của thị trường vàng thời gian qua thì Nhà điều hành đã đầy đủ tự tin và bản lĩnh để thực hiện nốt nhiệm vụ thu hút vài trăm tấn vàng tương đương hàng chục tỷ USD tích trữ trong dân quay trở lại dòng vốn cho thị trường.

-          Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

 

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *