Thời sự 14/01/2018 09:46

Đại diện BIDV trả lời thế nào với luật sư tại phiên tòa xử ông Phạm Công Danh?

Chiều nay (13/1), tại phiên tòa xét xử xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh, ông Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban pháp chế Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trả lời luật sư Nguyễn Huy Thiệp về một số vấn đề liên quan.


Quang cảnh phiên tòa xét xử ông Phạm Công Danh

Quang cảnh phiên tòa xét xử ông Phạm Công Danh

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Đề nghị bà cho biết Quyết định 1627/2001 của NHNNVN có quy định về trình tự, thủ tục (nói chung là quy trình) cho vay đối với khách hàng tại tổ chức tín dụng không?

Bà Nguyễn Thị Phương – Giám đốc Ban Pháp chế, đại diện BIDV: -Quyết định 1627 quy định về nguyên tắc, điều kiện cho vay đối với khách hàng tại TCTD và tại Điều 28 Quyết định 1627 đã giao tổ chức tín dụng quy định về trình tự, thủ tục cho vay phù hợp với mô hình tổ chức, cách thức tổ chức quản trị,khả năng kiểm soát rủi ro và đặc điểm của từng nhóm khách hàng theo yêu cầu quản lý của từng tổ chức tín dụng.

Vậy BIDV ban hành các quy định, quy trình có tuân thủ các điều kiện cho vay theo quy định tại Điều 7 Quyết định 1627 của NHNNVN hay không?

-Triển khai Luật các Tổ chức tín dụng, Quyết định 1627, BIDV đã ban hành Quy chế cho vay, quy trình cho vay. Ngoài ra, BIDV cũng có các văn bản hướng dẫn trình tự thủ tục, các sản phẩm tín dụng đặc thù cho từng phân khúc khách hàng, nhóm đối tượng khách hàng và yêu cầu, khả năng kiểm soát rủi ro trong từng thời kỳ của BIDV. Các quy định này vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật (Luật TCTD, Quy định 1627 nay là TT39), vừa phù hợp với mô hình tổ chức quản lý và yêu cầu, khả năng kiểm soát rủi ro của BIDV, cũng như tạo điều kiện cho khách hàng và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.

Bà cho biết việc Hội sở chính BIDV quyết định chủ trương cho vay đối với khách hàng, và chuyển xuống Chi nhánh thực hiện cho vay là theo quy trình đúng của BIDV hay quy trình ngược như đại diện Viện kiểm sát đã nêu tại phần thẩm vấn phiên tòa ngày hôm qua?

-Cũng giống như các TCTD khác, hiện tại BIDV có 2 luồng tiếp cận giải quyết đề xuất của khách hàng, cụ thể: (i) Luồng thứ nhất: khách hàng đề xuất trực tiếp với Hội sở chính, Hội sở chính tiếp xúc giải quyết đề xuất của khách hàng, lập báo cáo đánh giá đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương cấp tín dụng và giao xuống Chi nhánh thực hiện gắn với những điều kiện thực hiện cụ thể. (ii) Luồng thứ hai: khách hàng quan hệ trực tiếp tại Chi nhánh, Chi nhánh trực tiếp thẩm định đề xuất, quyết định cho vay, nếu trường hợp vượt thẩm quyền cấp tín dụng của Chi nhánh (về thời hạn cho vay, số tiền cho vay), Chi nhánh sẽ trình về Hội sở chính để phê duyệt cấp tín dụng, sau đó giao lại Chi nhánh thực hiện cho vay.

Trên cơ sở các luồng công việc này, BIDV xây dựng hướng dẫn cụ thể cho các sản phẩm tín dụng theo từng nhóm khách hàng, đáp ứng yêu cầu quản trị rủi ro và nhu cầu vay vốn thực tế của khách hàng.

Đề nghị bà trình bày cụ thể việc cho vay đối với 12 Công ty theo gói sản phẩm 04 nhà thuộc quy trình nào?

-BIDV đã cùng với các Ngân hàng thương mại khác báo cáo đề xuất NHNN xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm mục đích triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính Phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường, trong đó có xây dựng gói liên kết 4 nhà nhằm kết nối: Ngân hàng- Chủ đầu tư- Nhà thầu - Nhà cung cấp VLXD để thực hiện Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 09/11/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình xây dựng/dự án bất động sản dở dang, thúc đẩy luân chuyển vốn, giải phóng hàng tồn kho (xi măng, sắt, thép…) và giảm bớt công nợ giữa Ngân hàng- Chủ đầu tư- Nhà thầu- Nhà cung cấp VLXD. Bên cạnh đó, trong điều kiện tăng trưởng tín dụng khó khăn, nguồn vốn khả dụng của BIDV đang dư thừa lớn gây lãng phí vốn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng nên chúng tôi thấy cần thiết phải mở rộng tìm kiếm khách hàng, cấp tín dụng.

Khi VNCB giới thiệu 12 khách hàng vay vốn, qua đánh giá ban đầu nhận thấy các khách hàng này có mục đích vay phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với gói tín dụng 4 nhà, việc cho vay mang lại hiệu quả về kinh tế cho BIDV, góp phần giải quyết nhu cầu tăng trưởng tín dụng và các pháp nhân hoạt động tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhu cầu vay ngắn hạn và theo đề nghị của các khách hàng được vay tại các chi nhánh trên địa bàn thành phố TP Hồ Chi Minh nên sau khi xem xét, Hội sở chính đã phê duyệt chủ trương cấp tín dụng và giao 4 chi nhánh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện cụ thể.

Cơ sở nào để Hội sở chính phê duyệt chủ trương cấp tín dụng cho 12 Công ty này ?

-Như tôi đã trình bày, trong bối cảnh đó, và sau khi nhận được hồ sơ ban đầu của khách hàng kèm theo văn bản giới thiệu của VNCB (Giấy đề nghị thu xếp tín dụng của 12 Công ty gửi BIDV v/v đề nghị thu xếp tín dụng để thu mua VLXD cung cấp cho các công trình, dự án; Hồ sơ pháp lý 12 công ty (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu, Điều lệ hoạt động của công ty);

Sau khi xem xét trên hồ sơ tài liệu nêu trên, Ban KHDN đánh giá: các khoản vay phù hợp với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, của BIDV; Nhu cầu, mục đích vay vốn và điều kiện cơ bản của khách hàng phù hợp với quy chế cho vay 1627/2001/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; Các khoản vay đều được cam kết có bảo đảm bằng tài sản hợp pháp, hợp lệ với giá trị tài sản bảo đảm được cam kết lớn hơn giá trị khoản vay, khoản vay sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho BIDV…

Vì vậy, Ban KHDN đã có Tờ trình đề xuất đề nghị Ban Lãnh đạo phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đối với 12 khách hàng; Sau khi được Lãnh đạo phụ trách phê duyệt, hồ sơ vay vốn và Tờ trình của Ban KHDN được chuyển đến Ban QLRR thẩm định nội dung theo quy trình.

Ban QLRR sau khi nghiên cứu hồ sơ, đánh giá thẩm định rủi ro đã soạn thảo Tờ trình đề xuất chủ trương đề nghị Ban Lãnh đạo phê duyệt. Trên cơ sở đó, Ban Lãnh đạo đã phê duyệt và Hội sở chính có văn bản thông báo phê duyệt chủ trương gửi chi nhánh với nội dung cụ thể: phê duyệt chủ trương cho vay mua VLXD theo mô hình 4 nhà đối với 12 Công ty với các nội dung: - Số tiền cho vay tối đa của từng Công ty: Từ 320 tỷ đến 460 tỷ đồng (chúng tôi nhấn mạnh đây là số tiền cho vay tối đa, không phải phê duyệt mức cụ thể);Thời hạn cho vay: Phù hợp với Hợp đồng bán vật liệu xây dựng ký với Chủ đầu tư/nhà thầu các dự án nhà ở, BOT nhưng tối đa không quá 12 tháng; Lãi suất cho vay: Theo quy định của BIDV trong từng thời k; Tài sản bảo đảm:+ Chi nhánh yêu cầu Công ty thế chấp các tài sản là bất động sản của doanh nghiệp hoặc của bên thứ ba theo đúng quy định của BIDV.

+ Trong trường hợp tài sản bảo đảm là bất động sản nêu trên không đủ để bảo đảm tối thiểu 100% dư nợ vay, Chi nhánh bổ sung biện pháp bảo đảm là phong tỏa tiền gửi của doanh nghiệp hoặc bên thứ ba tại BIDV để bảo đảm cho khoản vay. Trường hợp doanh nghiệp không trả nợ vay đúng hạn, BIDV có quyền tự động thu nợ từ tài khoản tiền gửi đã phong tỏa tại BIDV. Trong mọi trường hợp, giá trị quy đổi của tài sản thế chấp + tiền gửi phong tỏa luôn lớn hơn hoặc bằng 100% dư nợ vay tại BIDV.+ Chi nhánh phối hợp với Công ty hoàn thiện thủ tục thế chấp, phong tỏa tiền gửi tại BIDV trước khi thực hiện giải ngân. Giao Chi nhánh thực hiện tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định khách hàng, phương án kinh doanh, xem xét quyết định cấp tín dụng, đảm bảo thu đủ nợ gốc và lãi.

Việc thực hiện cấp tín dụng tại các Chi nhánh được thực hiện như thế nào?

-Qua công tác kiểm tra, chúng tôi thấy các Chi nhánh đã thực hiện cấp tín dụng cho các khách hàng theo quy định về trình tự, thủ tục về cấp tín dụng theo quy định và chủ trương cấp tín dụng đã được phê duyệt tại các văn bản ủy nhiệm của Hội sở chính (số tiền cho vay tối đa, thời hạn vay, lãi suất, tài sản đảm bảo…), cụ thể: Các chi nhánh đã yêu cầu khách hàng cung cấp các hồ sơ vay vốn theo quy định: Giấy đề nghị vay vốn; Phương án kinh doanh của các Công ty; Các hợp đồng mua bán hàng hóa, Hồ sơ pháp lý và tài chính năm 2012 của 12 Công ty gửi các Chi nhánh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, điều lệ hoạt động của công ty, báo cáo tài chính năm 2012…), hồ sơ tài sản bảo đảm.

Các chi nhánh đã thực hiện đầy đủ trình tự các bước theo quy định từ đề xuất, thẩm định và thông qua Hội đồng tín dụng cơ sở xem xét thống nhất quyết định cho vay;

Các Chi nhánh đã thực hiện đầy đủ việc yêu cầu khách hàng và bên thứ ba cầm cố và thế chấp tại sản (100% các khoản vay có tài sản bảo đảm); đã thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định;
Đã giải ngân và chuyển tiền theo đề nghị của các công ty, đúng chỉ dẫn trong các hợp đồng kinh tế do khách hàng cung cấp;

Đã thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn vay của khách hàng; khi phát hiện khách hàng không thực hiện đúng cam kết, đã yêu cầu khách hàng trả nợ trước hạn và thực tế các Chi nhánh đã thu đầy đủ nợ gốc và lãi của các khách hàng. Và tôi xin nói rõ thêm, tất cả các khoản vay tại BIDV đều được các doanh nghiệp tự trả bằng tiền trên tài khoản của từng doanh nghiệp.

Trong các điều kiện cho vay theo quyết định 1627 có quy định phải có Phiếu điều tra thông tin khách hàng không?

-Đây là quy định nội bộ của BIDV, không phải là điều kiện cho vay theo Quyết định 1627

H.Anh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *