Thời sự 22/05/2019 18:51

Đại biểu Quốc hội nói giá điện không tăng 8,36% như công bố, Chủ tịch EVN nói gì?

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho biết mức độ phần trăm mà EVN đưa ra hoàn toàn chính xác. Thực tế, giá điện tăng đã được Chính phủ thông qua chứ không phải tính toán của riêng của EVN.

Đại biểu Quốc hội nói giá điện không tăng 8,36% như công bố, Chủ tịch EVN nói gì? - 1

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành bên lề Quốc hội đã lên tiếng khẳng định đại biểu Lê Thu Hà đã có tính toán không đúng.

Phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 22/5 “nóng” lên xung quanh câu chuyện tăng giá điện khiến người dân bức xúc.

Đáng lưu ý khi đề cập tới giá điện, đại biểu Lê Thu Hà khẳng định, cách giải trình của EVN đã ẩn đi một lần tăng giá.

Theo vị này, giá điện không phải tăng 8,37% như EVN công bố mà thực chất là 10%, 12,7%, 14,2%,15%. Do đó, Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc, báo cáo Quốc tại kỳ họp tới.

Trước phát biểu này, ngay chiều 22/5, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành bên lề Quốc hội đã lên tiếng khẳng định đại biểu Lê Thu Hà đã tính toán sai.

Cụ thể theo Chủ tịch EVN, ông đã đọc được thông tin về tính toán của bà Hà, thậm chí một số đại biểu cũng gửi thông tin trên cho ông đề nghị làm rõ.

Làm rõ hơn về ý kiến này, ông Dương Quang Thành cho biết mức độ phần trăm mà EVN đưa ra hoàn toàn chính xác. Thực tế, giá điện tăng đã được Chính phủ thông qua chứ không phải tính toán của riêng của EVN.

Ông Thành nói: “So sánh trước khi tăng giá và sau khi tăng giá với từng bậc thang một đưa ra chính xác, đồng thời, đều tăng từ 8,3 - 8,4%, chứ không tăng mười mấy phần trăm như đại biểu nói”.

Về khái niệm khiến dư luận băn khoăn đó là cụm từ “giá điện cơ sở” 1.549 đồng mà đại biểu Hà đưa ra, Chủ tịch EVN cho biết: Không có con số này mà chỉ có giá bán điện bình quân hàng năm mà Chính phủ quy định.

Cụ thể theo lý giải của người đứng đầu EVN, khi so sánh các bậc, lấy cơ sở bậc 1, và từ bậc 2, 3, 4, 5, 6 tăng theo tỷ lệ. Còn khi so sánh các bậc với nhau phải so cùng một bậc trước và sau tăng giá.

“Tôi đơn cử, trong số liệu đại biểu đưa ra bậc 6 là “2.927 đồng cho 1 kWh, tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 (174%) trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6” là không đúng. bậc 6 có giá cũ là 2701 giá mới là 2927 đ và tăng 8,36%, ko tăng 15% như tính toán của đại biểu Hà”, ông Thành tiếp tục giải thích.

Trước đề xuất đưa ra là nên gộp bậc thang tính điện vào, ông Thành cho biết vấn đề này phải nghiên cứu từ cơ sở thực tế, tính toán.

Theo đó, Chủ tịch EVN cho biết đang yêu cầu tập hợp lại các số lượng, tỷ lệ khách hàng cũng như giá trị chi phí khách hàng trả từng bậc thang để cân đối cụ thể.

“Chiều mai Cục điều tiết điện lực sẽ họp cùng EVN vấn đề này”, ông Thành nói và khẳng định EVN đang làm đúng theo lộ trình của Thủ tướng, Chính phủ về tăng giá điện.

Liên quan tới đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán việc tăng giá điện, ông Dương Quang Thành cho biết: Năm 2017 đã kiểm toán giá thành sản xuất và giá bán điện của EVN giai đoạn 2014 - 2016, đã có kết luận và EVN đã làm đúng theo các quy định.

Về việc Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán báo cáo tài chính của EVN cũng như việc điều hành giá điện, ông Thành nói: EVN rất hoan nghênh bởi “kiểm toán vào cũng là một việc tốt để người dân tin hơn vào tính minh bạch của giá điện”.

Cũng theo ông Thành, EVN trước đó đã có yêu cầu điện lực các địa phương giải thích rõ cho các đại biểu Quốc hội trước khi các đoàn đi họp. Về sự “hiểu lầm” dẫn đến tính toán sai của đại biểu Quốc, ông Thành nói sẽ kiểm tra lại thông tin này.

“Nếu điện lực chưa thông tin rõ cho các đoàn đại biểu Quốc hội, tôi sẽ yêu cầu làm rõ hơn và có bảng tính toán cụ thể để đại biểu hiểu hơn so sánh biểu giá điện trước và sau tăng giá", ông Thành cho hay.

Trước đó tại phiên thảo luận tổ Hà Nội sáng cùng ngày, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cũng đã tranh thủ giải trình thêm với các đại biểu về việc tăng giá điện. Ông cho biết trong báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rất rõ, giá điện tăng do tăng chi phí của các yếu tố đầu vào, như giá than tăng.

Theo ông Thành, 20.000 tỷ đồng tăng thêm do chi phí đầu vào tăng thì bắt buộc phải điều chỉnh giá điện để bù đắp. Toàn bộ điều chỉnh giá điện lên 8,36% chỉ đủ bù đắp cho 20.000 tỷ đồng chi phí thiếu hụt...

Nguyễn Khánh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *