Thời sự 18/11/2013 06:59

Cứu doanh nghiệp có nợ xấu: Cần làm thận trọng

Giải cứu những doanh nghiệp (DN) có nợ xấu là việc cần thiết nhưng phải xem xét thấu đáo, chỉ cứu các DN đáng được cứu.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng (NH) nghiên cứu cho doanh nghiệp (DN) đang có nợ xấu nếu có phương án kinh doanh mới khả thi được vay vốn. Tuy nhiên, vấn đề này đang có các quan điểm ngược chiều nhau. Nếu tiếp tục cho DN dạng này vay vốn sẽ tạo thêm rủi ro cho NH nhưng chính sách này là cơ hội để nhiều DN có thể tồn tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

 

Nên chia thành hai nhóm

 

Tốc độ DN giải thể lớn sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, GDP tiếp tục sụt giảm. Vì vậy chúng ta phải tìm mọi cách để cứu DN. NHNN cho phép NH giải ngân thêm vốn đối với DN có nợ xấu, nếu họ có phương án khả thi là phù hợp. Đây là giải pháp có lợi cho cả NH và DN.

 

Song nếu chúng ta không phân biệt được bản chất DN mà áp dụng đại trà việc cho vay vốn thì sẽ gặp rủi ro rất lớn. Bởi vì chúng ta sẽ cứu cả những DN đáng chết, nợ cũ không đòi được và nợ mới lại nhân lên. Vậy nên buộc lòng phải có tiêu chí để phân biệt.

 

Để giải ngân sao cho hiệu quả, trước hết phải phân biệt được bản chất của DN. Một DN gặp phải vấn đề nợ xấu thường có hai loại, một là loại “chết” vì làm ăn liều mạng, kém hiệu quả; hai là loại do vướng các yếu tố khách quan như môi trường kinh doanh, trong đó có cả việc Nhà nước thay đổi chính sách… Với loại DN làm liều thì đáng để cho phá sản, còn loại do yếu tố khách quan thì chúng ta nên tính toán để cứu.

 

Khách hàng tìm hiểu thủ tục vay vốn tại ngân hàng. Ảnh: HTD.

 

Ở góc độ NH, họ sẽ đánh giá xem trong số khách hàng của mình, đơn vị nào uy tín, chỉ tạm thời gặp khó khăn để tiếp tục bơm vốn. Bởi với trường hợp này thì “thà bỏ ra một ít tiền để cứu còn hơn để DN phá sản, NH sẽ mất nhiều tiền hơn”.

 

Nhìn người để thấy ta

 

Vào thời kỳ khủng hoảng 2008, có nhiều DN trên toàn thế giới gặp khó khăn, trong đó có hãng xe hơi nổi tiếng GM của Mỹ với các thương hiệu như: Buick, Cadillac, Chevrolet, GMC… Từ một hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới với doanh số ô tô hàng đầu suốt 77 năm liên tục từ 1937 đến 2007, GM lâm vào tình trạng nợ đầm đìa ở khắp nơi. Trước mắt GM chỉ còn một cách duy nhất là phá sản. Đầu năm 2009, GM đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án. GM phá sản, ngoài việc ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô của Mỹ còn liên quan đến hàng ngàn người lao động. Sau đó, chính phủ Mỹ quyết định quốc hữu hóa tạm thời để giúp hãng này khỏi những kết cục tồi tệ. Chính phủ rót tiền cho GM và giành lấy hơn nửa cổ phần của hãng xe này để tái cấu trúc lại công ty. Đây cũng là vụ can thiệp lớn bất thường của nước Mỹ vào hãng công nghiệp nước này. Ở đây phá sản không có nghĩa là đóng cửa nhà máy mà chủ sở hữu bị đẩy ra và chủ nợ nhảy vào tái cấu trúc vốn. Cũng không lâu sau đó, GM đã quay trở lại trở thành vị trí số một thế giới.

 

Một ví dụ khác với NH ở Mỹ, có thời Citibank từng tham gia đầu tư vào một số ngành và gặp vấn đề về thanh khoản. NH này đứng bên bờ phá sản nếu không được chính phủ rót tiền. Tại thời điểm đó cũng có hai quan điểm ngược chiều nhau, thứ nhất bên cho rằng cứ để NH chết đi, sau đó sẽ có người mua lại để tái cơ cấu. Với cách này, thời gian đầu sẽ hơi lộn xộn nhưng không phải dùng tiền thuế của dân để can thiệp. Quan điểm thứ hai, nếu chính phủ cứu, NH này lành mạnh trở lại không sao. Nhưng NH này tiếp tục làm ăn dặt dẹo, thua lỗ, đến khi rút ra chính phủ sẽ mất rất nhiều tiền. Sau khi cân nhắc mức độ rủi ro cũng như nguyên nhân khó khăn của NH chỉ là tạm thời, chính phủ Mỹ quyết định bơm tiền. Và chẳng bao lâu sau Citibank đã phục hồi nhanh chóng.

 

Ở Việt Nam cũng vậy, nếu DN thực sự chỉ gặp khó khăn tạm thời thì NH nên tiếp tục bơm vốn để cứu.

 

Nhìn lại năm 2012, đã có gần 50.000 DN phải tuyên bố phá sản, trước đó năm 2011 cũng khoảng 50.000 DN rời bỏ thị trường. Theo Bộ KH&ĐT, trung bình mỗi tháng 5.000 DN giải thể. Tuy nhiên, số lượng DN “chết” từ những năm trước đó đa số là vì DN yếu, kém. Nhưng với những DN mới “chết” gần đây, có thể do các yếu tố khách quan, do kinh tế khó khăn đến mức độ nào đó mà họ không thể chịu nổi nữa.

 

Theo TS DƯƠNG NHƯ HÙNG, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TPHCM)
Pháp luật Việt Nam

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *