Thời sự 19/05/2015 20:01

Còn 3 cặp ngân hàng sở hữu chéo chưa xử lý

FICA - Thống đốc Bình dự kiến, trong năm 2015 sẽ tiếp tục xem xét, triển khai một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập với sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Báo cáo Quốc hội về tiến độ tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết: Sau hơn 3 năm triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống, số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm đi 14, trong đó 7 đơn vị được giảm thông qua hợp nhất, sáp nhập, giải thể.

Năm 2014, NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc một số trường hợp mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng để vừa xử lý các đơn vị yếu kém vừa nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh một số ngân hàng thương mại.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. 
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. 
 

Thống đốc cho hay, dự kiến trong năm 2015 sẽ tiếp tục xem xét, triển khai một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập với sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước; phấn đấu đến cuối 2015, hình thành được 1-2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

Cũng theo đánh giá của Thống đốc, nhờ tái cơ cấu mà 11 ngân hàng của Việt Nam được lọt vào danh sách 1000 ngân hàng thế giới năm 2014 do tờ tạp chí The Banker công bố. Trong xếp hạng ngân hàng khu vực Đông Nam Á về Chỉ số an toàn vốn cấp 1, các ngân hàng Việt Nam chiếm đa số trong top 10.

Năm 2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng mức xếp hạng nhà phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn đối với BIDV và Vietinbank từ B3 lên B2; nâng xếp hạng tín nhiệm tiền gửi và xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn của NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) lên một bậc, từ B3 lên B2, với triển vọng ổn định. NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội cũng được giữ nguyên triển vọng ở mức ổn định; 05 NHTMCP khác bao gồm: Quân đội, Sài Gòn Thương Tín, Kỹ thương Việt Nam, Á Châu và Việt Nam Thịnh Vượng được tổ chức này nâng triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực”.

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém chủ yếu bằng nguồn lực của khu vực tư nhân, hệ thống ngân hàng vừa bảo đảm giữ vững an toàn, không giảm đầu tư và làm gián đoạn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế cho thấy sự cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua”, Thống đốc Bình nhận xét.

Về sở hữu chéo, đầu tư chéo, lĩnh vực ngân hàng cũng được xử lý từng bước thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, giám sát; hợp nhất, sáp nhập ngân hàng và ban hành các quy định pháp lý mới.

Tính đến cuối năm 2014 chỉ còn 3 cặp ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau (giảm 3 cặp so với năm 2012); sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn điều lệ của hệ thống.

Thống đốc Bình đánh giá, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng các tổ chức tín dụng vẫn nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ để tạo điều kiện mở rộng hoạt động, nâng cao khả năng đối phó với các rủi ro trong hoạt động.

Theo đó, vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 12/2014 là 435,6 nghìn tỷ đồng (tăng 3,29% so với tháng 12/2013) ; Tổng tài sản đến cuối tháng 12/2014 là 6.514,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2%.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *