Thời sự 30/09/2020 07:18

Chuyển đổi số cho doanh nghiệp gặp "điểm nghẽn"... thiếu tiền

Tại hội thảo Bàn tròn lãnh đạo công nghệ do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, lãnh đạo các tập đoàn doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến, đề xuất cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ.

Theo đó, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng đến các nhóm ngành ngân hàng, viễn thông, năng lượng, bảo hiểm, logistic, truyền hình đã lần lượt chia sẻ mô hình, kinh nghiệm của mình về chuyển đổi số.

Bàn tròn lãnh đạo công nghệ do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức

Ông Trần Nhất Minh - Phó TGĐ kiêm Giám đốc khối Dịch vụ công nghệ của Ngân hàng VIB, trong bối cảnh CMCN 4.0 và sự bùng phát của đại dịch Covid-19, người dùng có xu hướng chuyển dịch từ hoạt động mua sắm truyền thống sang hình thức online. Do vậy, chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp này tập trung vào dữ liệu lớn (Big data), công nghệ điện toán đám mây và nền tảng mở Open API. 

Theo ông Minh, Big Data được sử dụng để phân tích hành vi khách hàng, điện toán đám mây để tiết kiệm chi phí và thử nghiệm các giải pháp còn Open API tạo ra nền tảng mở để tích hợp thêm các tiện ích mới. 

Trong đại dịch Covid-19, nhờ triển khai dịch vụ đăng ký thẻ qua website, lượng thẻ bán qua kênh online của VIB chiếm tới 20% số thẻ mới được phát hành. Con số này bằng 1/4 so với tổng lượng thẻ do 5.000 nhân viên ngân hàng kiếm về theo cách thức truyền thống. 

ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank ủng hộ. "Khi nói đến chuyển đổi số, chúng ta nói đến thí điểm và trải nghiệm. Tất cả những đầu tư này vì vậy không chắc chắn mang lại hiệu quả", ông nói. Nhưng không có mạo hiểm thì không có sáng tạo. Vì vậy, ông cho rằng doanh nghiệp phải có một khoản đầu tư định mức cho nghiên cứu và phát triển.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo công nghệ cũng cho rằng nhiều chính sách liên quan tới dự án công nghệ vẫn còn thiếu thực tế và chậm sửa đổi.

Ông Hoàng Minh Tuấn - Phó Giám đốc khối CNTT của MBBank, toàn bộ quy trình đối soát thẻ, đổ lương theo lô và một số công việc có tính chất chu kỳ đã được MBBank vận hành bằng công nghệ robotic. 

Theo chuyên gia về công nghệ thông tin Nguyễn Đại Trí, hiện một trong những thách thức cho áp dụng chuyển đổi số vào kinh tế là chi phí.

"Chi phí cho nhân công, chuyên gia và cài đặt hệ thống quá bèo nên không đánh giá được đúng chất xám. Nhiều đối tác chi phí thấp nhưng vẫn chấp nhận gắn bó vì họ cũng muốn giữ quan hệ", ông Trí nói.

Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết đã số hóa quy trình hoạt động bằng việc đưa vào vận hành hệ thống cảng điện tử. Trước đây, mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt người ra vào cảng để làm thủ tục trực tiếp, với hệ thống cảng điện tử, lượng người đến cảng đã giảm 90% nhờ toàn bộ thủ tục đều được thực hiện online. 

Ông Ngô Diên Hy, Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT, để thúc đẩy chuyển đổi số, cần phải giải quyết vấn đề về dịch vụ xác thực cho khách hàng cá nhân.

Việc cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện giao dịch ký hợp đồng điện tử sẽ là mô hình đột phá trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, nếu cung cấp chữ ký số theo gói dịch vụ 1 năm như hiện nay sẽ không có ai sử dụng cả. Do vậy, ông Hy gợi ý sớm triển khai dịch vụ chữ ký số dùng một lần để thúc đẩy chuyển đổi số. 

Ông Tào Đức Thắng - Phó TGĐ tập đoàn Viettel đề nghị các cơ quan chức năng sớm có chính sách định danh số cho người dân. Bên cạnh đó, thúc đẩy xây dựng hành lang pháp lý cho việc khai thác và sử dụng dữ liệu, tránh tình trạng quy định không rõ ràng dẫn đến việc doanh nghiệp vi phạm. 

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *