Thời sự 08/11/2018 08:10

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tận dụng tốt sẽ thúc đẩy nền kinh tế phục hồi

Chuyên gia cho rằng, xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc do lo ngại chiến tranh thương mại đang mang đến cơ hội cho Việt Nam.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Việt nam tháng 10/2018 với tiêu đề "Tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại".

Báo cáo cho hay, tựu chung lại từ số liệu vĩ mô tháng 10 có thể thấy công nghiệp sẽ giảm tốc trong quý 4 và được bù đắp một phần nhờ dịch vụ. Trong công nghiệp, tăng trưởng của các ngành sẽ phân hóa. Điện tử tăng thấp, thậm chí có thể giảm nhưng nhiều ngành công nghiệp khác lại có tăng trưởng cao và tạo được sức lan tỏa nhất định.

Điều đáng lưu ý, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã có những biểu hiện ban đầu và trong những tác động tích cực, dòng vốn FDI là một vấn đề cần lưu tâm. Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc do lo ngại chiến tranh thương mại đang mang đến cơ hội cho Việt Nam.

Bộ phận nghiên cứu của SSI cho rằng, cùng với đó, với câu chuyện CPTPP, Việt Nam lại có thêm lợi thế để tạo sự khác biệt với các nước cùng trình độ phát triển.

"Tận dụng tốt dòng vốn rút khỏi Trung Quốc sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh hơn bởi doanh nghiệp FDI luôn có lợi thế công nghệ và thị trường, những lợi thế mà doanh nghiệp trong nước cần nhiều thời gian để xây dựng", báo cáo SSI nêu đánh giá.

Về tác động chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới, trước đó, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, Việt Nam có cả thách thức và cơ hội song hành.

Asian Nikkei Review mới đây đã dẫn một khảo sát từ các công ty ở Mỹ và Trung Quốc cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang gặt hái nhiều lợi ích quan trọng trong chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc này.

Tất cả những công ty Mỹ và Trung Quốc tham gia khảo sát đều cho biết họ đang gánh chịu nhiều hậu quả từ chiến tranh thương mại, mất nhiều thị phần vào tay các công ty tới từ Việt Nam. Khảo sát nói trên đã được đăng tải vào ngày 29/10 bởi Phòng Thương mại của Mỹ tại Quảng Châu.

Trước đó, bình luận về vấn đề này tại Nghị trường Quốc hội, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhấn mạnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục leo thang sẽ có tầm ảnh hướng rất lớn đối với chúng ta.

"Chúng ta cần xác định rõ đây là cuộc chiến tổng lực lâu dài đối với cả hai bên, cả về thương mại kinh tế nói chung, cả về an ninh, quân sự và đối ngoại. Việt Nam với vị thế đặc biệt là sát cánh và còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc hiện là hai thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất, nhì của Việt Nam", ông Đồng nhấn mạnh.

Trong khi đó, vấn đề biển Đông được vị đại biểu đánh giá là đầy phức tạp và nhạy cảm nên sẽ chịu tác động rất lớn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dễ thấy ngay là chịu sự rủi ro cao về thương mại, về tiền tệ và dòng vốn.

"Tất nhiên, Việt Nam cũng có thể có cơ hội nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc để né thuế, tức là có thể trở thành vịnh tránh bão trong cuộc chiến này thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực", ông nói.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không chỉ là câu chuyện của tranh chấp thương mại nữa mà còn là những cuộc tranh chấp lớn về những vị trí trong bản đồ chính trị thế giới và câu chuyện của địa chính trị, những vấn đề lớn của chính trị đối ngoại.

"Vì vậy, có rất nhiều hệ lụy nhưng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này. Các bộ, ngành có liên quan cũng đã có nghiên cứu và có sự phối hợp thường xuyên để báo cáo đầy đủ, kịp thời cho Chính phủ", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, trong điều hành thường xuyên cũng như các chiến lược sắp tới thì đều đã có những khuyến nghị và có những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chúng ta triển khai trong thời gian tới, khai thác tốt những cơ hội và hạn chế những nguy cơ, những tác động tiêu cực và hệ lụy của nó ảnh hưởng tới quan hệ đối ngoại cũng như thương mại quốc tế những vấn đề khác nhạy cảm hơn.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *