Thời sự 26/11/2013 07:35

Chỉ 27% doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn

Khuyến khích hỗ trợ cho DN vay vốn, thế nhưng phải cẩn trọng với những DN không còn khả năng kinh doanh.

“Trong số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, chỉ có 27% tiếp cận được nguồn vốn” - ông Nguyễn Văn Diệp, Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long, cho biết tại Hội thảo Tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày 25-11.

 

Nhiều DN không còn sức sản xuất

 

Cũng theo ông Diệp, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế kéo dài, lạm phát tăng, lãi suất cao làm thị trường tiêu thụ bị thu hẹp…, nhiều DN bị thua lỗ và phải ăn vào vốn tự có. Bởi vậy, hiện nay nhiều DN buộc phải thu hẹp quy mô hoặc hoạt động cầm chừng để chờ cơ hội. Nhiều DN thậm chí phải bán bớt tài sản để trang trải các khoản nợ. Riêng tại Vĩnh Long, chín tháng đầu năm có 53 DN báo cáo giải thể, chưa kể số DN đã tự giải thể nhưng không báo cáo.

 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, nêu nghịch lý ngân hàng dư vốn, lãi suất thấp nhưng DN cứ kêu không tiếp cận được. “Đến thời điểm này, DN phải xem khả năng hấp thụ vốn của DN có còn không. Nếu dự án không hiệu quả, đưa vốn vào là mất. Thực tế các DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn của ngân hàng chiếm tới 80%, chỉ có con người là không của ngân hàng thôi. Dường như các DN ít huy động được từ các nguồn vốn khác” - ông Tú nói.

 



Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh minh họa: HTD

 

Nhận định thêm về việc DN liên tục gặp khó, ông Diệp cho rằng do các DN chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng nên khi chính sách tiền tệ thay đổi, thị trường biến động khiến DN gặp khó khăn. Bên cạnh đó, vì lãi suất và lạm phát tăng nên DN cũng hạn chế dùng vốn vay, dẫn đến thiếu hụt cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, một số DN trước đây mở rộng quy mô sản xuất vượt quá tầm kiểm soát, sử dụng vốn ngắn hạn cho dài hạn… nên dẫn đến gặp rủi ro… Đặc biệt, nhiều DN cũng chưa thực sự chủ động trong tìm kiếm giải pháp để tự cứu mình, liên kết giữa các DN với nhau còn lỏng lẻo.

 

Đừng nên tiếp tục kích thích tín dụng

 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị cần có những chính sách riêng cho ĐBSCL - vùng trù phú, vựa lúa của cả nước, cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu, 50% sản lượng thủy sản, 50% sản lượng trái cây… của cả nước.

 

Vốn có lẽ vẫn là vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất. Ngành ngân hàng cũng vừa ký cam kết hỗ trợ vốn cho 83 dự án lớn, nhỏ tại ĐBSCL. “Vốn đi trước thì các DN mạnh dạn đầu tư hơn nữa. Các chính quyền mạnh dạn cấp phép cho các dự án ra đời” - ông Tú nói. Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh: “Để đẩy ĐBSCL lên, cần phải có nhiều đòn bẩy chứ không chỉ tín dụng”.

 

Tuy nhiên, TS Lê Thẩm Dương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng, lại nhận định lãi suất không còn là áp lực lớn vì đã giảm mạnh. Việc cơ cấu nợ theo Quyết định 780 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ và không chuyển nhóm nợ. Công văn 7758 đã tháo gỡ khó khăn cho DN, qua đó cho thấy đòn bẩy tín dụng giờ đã tốt, nếu tiếp tục kích thích chưa chắc đã tốt hơn.

 

Theo ông Dương, muốn tăng trưởng phải phát triển bằng được nội lực của người sản xuất, của nông dân thông qua khuyến nông một cách chuyên nghiệp. Ông Dương cho rằng hiện tại đa phần người sản xuất đều chưa có nội lực thì đòn bẩy cũng khó tăng trưởng được.

 

“Nên xây dựng các mô hình đóng vai trò quan trọng như cánh đồng mẫu lớn, trồng rau sạch để tạo sự phát triển bền vững. Sau khi các chủ thể kinh doanh tốt mà vốn tín dụng không ra được thì mới nên bơm thêm vốn, còn không thì rủi ro còn lớn hơn. Nên tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ví dụ như gia tăng chế biến, tạo ra quy mô sản xuất lớn thì vốn mới được sử dụng hiệu quả” - ông Dương nói.

 

Chính quyền cần đồng hành với doanh nghiệp



“Vùng ĐBSCL phát huy hết những tiềm năng hay không còn tùy thuộc vào vấn đề đơn giản hóa các thủ tục hành chính, về thuế… đối với các nhà đầu tư”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013, tại Vĩnh Long.



Phó thủ tướng cho rằng vùng ĐBSCL thời gian qua có bước phát triển về kinh tế - xã hội và kết quả thu hút đầu tư của vùng có tín hiệu khả quan nhưng sự phát triển của vùng còn hạn chế. Trên tình hình đó, các bộ, ngành và chính quyền địa phương phải rà soát lại quy hoạch, cơ cấu sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện, đồng hành cùng DN, tháo gỡ khó khăn, phân loại nợ cho phù hợp tình hình từng DN để thu hút đầu tư.



GIA TUỆ

Theo Yến Trang
PLTP

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *