Thời sự 19/03/2019 09:54

Chấm dứt tham nhũng, ngăn chặn “Vinashin kiểu mới” thu về trăm tỷ USD?

Cho rằng nguồn lực hàng trăm tỷ USD đang nằm trong các DNNN, VAFI đưa ra các giải pháp để Chính phủ có thể thu được lợi ích lớn, có nguồn lực để đầu tư các công trình quan trọng, giảm áp lực lãi vay.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có “tâm thư” gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Ngay phần mở đầu bức tâm thư, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch VAFI đã nhấn mạnh về vai trò mà Thủ tướng đã giao cho Bộ KHĐT phải như “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế” cùng lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng với Thủ tướng là sẽ làm tốt nhiệm vụ để Bộ KHĐT xứng đáng là Bộ “cải cách và phát triển”.

Ông Hải cho biết, với việc nhấn mạnh vai trò như trên, VAFI hy vọng Bộ KHĐT sẽ nghiên cứu ban hành nhiều quyết sách kinh tế lớn cho nước nhà.

DNNN.jpg

VAFI kiến nghị phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá, thoái vốn và niêm yết các DNNN

Cho rằng, trong giai đoạn hiện nay nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đi vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu đòi hỏi nhiều giải pháp mạnh và thông minh, VAFI đánh giá, nếu Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư chỉ sửa đổi ít thì sẽ tiếp tục là trở ngại lớn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán và của cộng đồng doanh nghiệp.

Để tăng cường thu hút vốn và công nghệ cho nền kinh tế, VAFI đưa ra ba kiến nghị chính. Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thành lập doanh nghiệp hay tham gia góp cổ phần đa số theo pháp luật Việt Nam thì coi là nhà đầu tư trong nước, không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước .

Thứ hai, phải xóa bỏ tư duy cứ ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Việc ban hành điều kiện kinh doanh hay điều kiện đầu tư là để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước chứ không phải là rào cản thu hút vốn và công nghệ từ nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp hội này đề nghị Chính phủ ban hành một danh mục hạn chế nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, VAFI cho rằng, cần phải có giải pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng tham nhũng, quan liêu của khối DNNN và ngăn chặn các “Vinashin kiểu mới”. Theo đó, VAFI đề xuất phải đổi mới khái niệm về DNNN. DNNN là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước, phải niêm yết chứng khoán và thuộc danh mục ngành nghề mà nhà nước cần nắm giữ chi phối.

VAFI cho rằng, chỉ giữ lại số ít doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn, còn lại đều phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết chứng khoán.

Các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban Điều hành đại diện cho Nhà nước để quản lý vốn và tài sản của nhân dân thì phải tuân thủ các yêu cầu của DNNN. Nếu không tuân thủ thì tự động mất tư cách đại diện mà không cần có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Với hàng trăm tỷ USD dưới dạng tài sản DNNN, cổ phần DNNN, VAFI cho rằng, Chính phủ nên triệt để khai thác nguồn vốn này, nhanh chóng thực hiện tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn và niêm yết DNNN, từ đó sẽ chống được thất thoát vốn Nhà nước, có nguồn lực đầu tư các công trình quan trọng và giảm được áp lực lãi vay cho Chính phủ.

Trong một văn bản đóng góp ý kiến trước đó gửi trực tiếp đến Thủ tướng và Bộ KHĐT với nội dung tương tự, VAFI cũng khẳng định rằng: “Nếu áp dụng đầy đủ và quyết liệt các giải pháp trên thì trong vòng 15 năm tới, NSNN sẽ thu được khoảng 100 tỷ USD”.

Theo VAFI, số tiền này vừa góp phần giảm mạnh nợ Chính phủ đồng thời dư sức để Việt Nam phát triển hoàn chỉnh hệ thống giao thông hiện đại cho toàn quốc, phát triển được hệ thống đường sắt cao tốc Bắc-Nam, hệ thống đường sắt nội đô tại Hà Nội và TPHCM.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *