Thời sự 17/02/2014 16:25

Cách biệt quá lớn trong top 5 ngân hàng cổ phần!

Cuối tuần qua, nhiều ngân hàng thương mại cùng công bố báo cáo tài chính quý 4/2013. Top 5 ngân hàng cổ phần hàng đầu tiếp tục có sự phân hóa lớn.

Chỉ sau hai năm vừa qua, khác biệt về hiệu quả kinh doanh trong nhóm đã thể hiện rõ nét.

Diễn biến của sự phân hóa này cũng phản ánh được nhất định bức tranh của hoạt động ngân hàng Việt Nam những năm gần đây.

Trong nhiều năm, Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) và Ngân hàng Quân đội (MB) đã định hình top 5 ngân hàng thương mại cổ phần (Nhà nước không nắm tỷ lệ sở hữu chi phối) hàng đầu tại Việt Nam.



Sự định hình này có cơ sở từ quy mô vốn, tổng tài sản, mạng lưới, thị phần và đặc biệt là hiệu quả trong hoạt động.



Giai đoạn 2006 - 2011, ACB gần như khẳng định vị trí số 1 một cách tuyệt đối ở các tiêu chí trên; Techcombank, Sacombank, Eximbank và MB bám đuổi quyết liệt; khoảng cách so sánh giữa các thành viên không quá lớn.



Song, chỉ sau hai năm vừa qua, khác biệt về hiệu quả kinh doanh trong nhóm đã thể hiện rõ nét. Diễn biến của sự phân hóa này cũng phản ánh được nhất định bức tranh của hoạt động ngân hàng Việt Nam những năm gần đây.



Cho đến năm 2013, với báo cáo tài chính vừa công bố, ngoại trừ MB, 4 thành viên còn lại đều trải qua những thăng trầm. Một phần có yếu tố chủ quan và đặc thù, một phần khách quan phản ánh khó khăn chung của nền kinh tế và hoạt động ngành.



Phản ánh đầu tiên, dù đây là nhóm thể hiện khả năng kiểm soát khá tốt trong hệ thống, nhưng tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng khá mạnh hai năm gần đây. Dù giảm được nhanh ngay trong năm 2013 từ mức 5,9%, nhưng tại Techcombank vẫn có tỷ lệ khá cao với 3,65%; kế đến là ACB, sau nhiều năm nợ xấu mới vượt mốc 3% trong năm 2013; nợ xấu của MB cũng tăng đáng kể, từ dưới 2% năm 2012 lên 2,45%; Eximbank cũng gặp khó khăn ở khía cạnh này khi tăng từ 1,32% lên 1,98%; riêng Sacombank giảm được từ mức 1,89% năm 2012 xuống 1,45%.



Hiện Techcombank chưa công bố báo cáo tài chính để rõ hơn về diễn biến của quy mô tổng tài sản. Còn điểm chung, chỉ tiêu này ở 4 thành viên còn lại đều tiếp tục cho thấy thời tăng trưởng nóng nói chung của các ngân hàng đã qua. So với cuối 2012, tổng tài sản của Sacombank và MB tăng nhẹ, trong khi Eximbank giảm không đáng kể, còn ACB vẫn cho thấy khó khăn còn đeo bám hay đúng hơn là thay đổi lớn trong các trục kinh doanh (gắn với thị trường liên ngân hàng) khi tiếp tục giảm gần 5,5%. Ở quy mô này, MB hiện là thành viên có quy mô tổng tài sản lớn nhất với 180.432 tỷ đồng.



Năm 2013, thêm một lần nữa MB cũng là thành viên dẫn đầu trong nhóm về lợi nhuận. Đây là chỉ tiêu chính tạo cách biệt rất lớn trong top 5 ngân hàng cổ phần hàng đầu hiện nay.



So sánh trực quan theo giá trị tuyệt đối, dù giảm nhẹ so với năm 2012, nhưng với 3.013,9 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế, MB có mức lợi nhuận lớn nhất. Kế đến là Sacombank với 2.960 tỷ đồng và cũng là thành viên duy nhất trong nhóm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong khi đó, ACB với mức lỗ khá lớn trong quý 4, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.035 tỷ đồng. Techcombank vẫn chưa cho thấy sự trở lại, dự kiến lợi nhuận tiếp tục giảm nhẹ, đạt 878 tỷ đồng. Đứng cuối và cũng là thất vọng nhất trong nhóm là Eximbank, chỉ đạt 827 tỷ đồng.



Nếu như MB vẫn cho thấy sự ổn định trong khả năng sinh lời, Sacombank trở lại ấn tượng nhưng không bất ngờ (bởi thành viên này vốn có nền tảng và thị phần tốt, đặc biệt ở thị trường phía Nam), thì bộ ba ACB, Eximbank và Techcombank đang cho thấy mức độ “nghìn tỷ” tiền lãi ngày càng khó trong hoạt động ngân hàng.



Có những nguyên nhân chủ quan, song kết quả kinh doanh của ba ngân hàng trên cũng đủ để phản ánh khó khăn chung của nền kinh tế năm qua, cũng như nốt trầm của nhiều thành viên trong hệ thống những năm gần đây.



Ngược lại, nếu so sánh riêng về con số giá trị tuyệt đối của lợi nhuận, năm 2013, bộ ba trên đã có thể trở thành “đàn em” của một số thành viên ở nhóm sau, đơn cử như Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với 1.002 tỷ đồng.



Tuy nhiên, trong các so sánh, con số lợi nhuận chỉ là tương đối, tùy thuộc vào mức độ tuân thủ hay sự sòng phẳng của mỗi nhà băng trong việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Theo Nguyên Hồng
Vneconomy

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *