Thời sự 11/04/2015 19:09

BSC: “NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá vào nửa cuối năm”

FICA - Cho rằng tỷ giá USD/VND vẫn chịu áp lực tăng trong trung dài hạn, BSC nhận định, nhiều khả năng NHNN sẽ cố gắng điều chỉnh vào nửa sau của năm 2015.

Khái quát về diễn biến tỷ giá trong quý I/2015, CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) cho biết, ngay từ đầu năm, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh phá giá 1% đồng VND, công bố tỷ giá bình quần liên ngân hàng ở mức 21.458 VND/USD vào ngày 7/1/2015 trong bối cảnh tỷ giá có xu hướng nóng lên và tiến sát tới mức trần trước đó thời điểm cuối năm 2014.

Như vậy, NHNN đã chủ động phá giá 1% trong định mức 2% cả năm đề ra. Việc điều chỉnh này đã làm tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng và lùi về dưới tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong suốt 1/2 quý đầu năm.

Vào nửa cuối quý I, tỷ giá có xu hướng ấm lên do tác động của giá USD trên thị trường ngoại hối quốc tế tăng mạnh. Nguyên nhân nằm ở diễn biến tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong bối cảnh kinh tế Hoa Kỳ có chuyển biến tích cực kể từ khi chấm dứt gói nới lỏng định lượng QE tháng 10/2014. Khả năng FED nâng lãi suất sớm đã thu hút dòng tiền đổ về đồng USD, khiến đồng tiền này mạnh lên, từ đó gây áp lực tỷ giá trên thị trường ngoại hối Việt Nam. Giá USD tự do đã tăng mạnh tới 21.810 VND/USD giữa tháng 3 vừa qua.

Theo quan sát của BSC, biến động tỷ giá trong thời gian qua, đặc biệt là trong quý I/2015 không đơn thuần liên quan giữa 2 quốc gia mà còn mang tính quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều nghi ngại, nền kinh tế Mỹ trở thành một đầu tàu nổi bật khi tăng trưởng liên tiếp qua các quý.

FED sau khi chấm dứt gói nới lỏng định lượng khổng lồ kéo dài suốt 8 năm hồi tháng 10/2014, bắt đầu chuẩn bị xem xét nâng lãi suất đồng USD. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn như Eurozone và Nhật đồng thời đẩy mạnh nới lỏng tín dụng, tiêu biểu là sự kiện ECB tung gói nới lỏng định lượng khổng lồ hồi đầu tháng 3/2015.

Các sự kiện trên kết hợp với nhau, tạo nên tác động cộng hưởng khiến tỷ giá: Nhóm đồng tiền G7 biến động rất lớn trong quý I/2015. Trong khi đó, các nền kinh tế còn lại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, hay cả những nước ASEAN cũng thực hiện nới lỏng tiền tệ nhằm làm yếu đi đồng bản tệ trong nước, từ đó tránh tình trạng kém cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của các nước xung quanh ngay trên chính lãnh thổ của mình.

Vốn được neo với USD, VND tự thân đã tăng giá nhiều so với các đồng tiền khác, và như vậy, theo nhận định của BSC, chắc chắn NHNN cũng sẽ phải hành động không nằm ngoài xu hướng chung so với ngân hàng trung ương các nước khác nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cũng như hạn chế sự kém cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, BSC cho rằng, tỷ giá USD/VND vẫn chịu áp lực tăng trong trung dài hạn.

BSC cũng đánh giá cao việc điều chỉnh tỷ giá 1% của NHNN hồi đầu năm. Tỷ giá được điều chỉnh sớm ngay từ đầu năm đã ổn định được thị trường ngoại hối trong nước. Theo BSC, biên độ 1% trên tương đối hợp lý bởi tính tới thời điểm hiện tại đã đủ để dung hòa được biến động tăng giá mạnh của USD trong quý I vừa qua.

Nhóm phân tích dự đoán tỷ giá USD/VND trong quý II/2015 vẫn giữ được sự ổn định tương đối, dù cho thị trường ngoại hối có thể sẽ là thị trường nóng nhất trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước sức ép USD quốc tế gia tăng mạnh, NHNN gần như chắc chắn sẽ phải can thiệp bán ra USD nhằm cân bằng cung-cầu trên thị trường ngoại hối.

Xét trên quy mô quốc tế, giá trị USD dường như đã ổn định sau khi tăng nóng quý qua, phần là do thông tin kinh tế vĩ mô Hoa Kỳ không khả quan như các quý trước, phần còn lại nằm ở sự bớt bi quan về các nền kinh tế khác mà ví dụ gần đây nhất là Eurozone thu hẹp tốc độ giảm phát.

Xét trên quy mô trong nước, bức tranh ngoại hối Việt Nam chưa có điều bất thường. Nguồn cung ngoại hối hiện tại được đánh giá là ổn định, dự trữ ngoại hối ở mức khá, khoảng 36 tỷ USD.

“Việc điều chỉnh tỷ giá trong các quý tới cũng không loại trừ, nhiều khả năng NHNN sẽ cố gắng điều chỉnh vào nửa sau của năm 2015” – báo cáo của BSC kết luận.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *