Thời sự 01/06/2020 08:11

Bộ trưởng Tài chính: Việc tăng lương sẽ chỉ lùi 6 tháng?

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo lộ trình đề ra, 1/7/2020 tăng lương cán bộ, công chức, viên chức 7%, nhưng Chính phủ đang tính lùi đến 1/1/2021 sẽ tăng…

- Trong phiên khại mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới, trong đó có việc chưa tăng lương khối cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/7/2020 như kế hoạch. Nhiều ý kiến thậm chí còn quan ngại, lộ trình tăng lương của năm 2021 cũng có thể phải lùi, giãn?

- Theo lộ trình đề ra, 1/7/2020, cả nước tăng lương 7%, nhưng Chính phủ đang tính lùi đến 1/1/2021 sẽ tăng. Đây là việc giảm chi thường xuyên, nằm trong chủ trương thắt chặt chi tiêu, nhưng ý nghĩa rất quan trọng là chia sẻ với các lực lượng khác trong xã hội, đặc biệt là người dân, người lao động. Vì lương tăng chỉ cho người đang đi làm thôi, người nghỉ hưu, đang hưởng chế độ nhà nước thôi, còn lại lực lượng lao động khác như nông dân thì đâu có được tăng. Vậy nên chia sẻ này là rất hợp lý.

Vẫn nằm trong chủ trương thắt chặt chi tiêu, Bộ Tài chính kiến nghị cắt giảm tiếp khoảng 70% kinh phí công tác phí, hội họp, thêm 10% chi thường xuyên ngoài phần đã tiết kiệm từ trước đến nay.

Tiết kiệm chi là cần thiết, nhưng gốc của ngân sách là tăng trưởng kinh tế, nên vấn đề trước mắt cũng như lâu dài là phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Tài chính: Việc tăng lương sẽ chỉ lùi 6 tháng? - 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trao đổi bên hành lang Quốc hội.

- Chậm tăng lương 6 tháng, như Bộ trưởng nói, có thể giúp giảm gánh nặng chi tiêu nhưng cũng khó bù lại khi mức hụt thu ngân sách năm nay được dự tính tới 150.000 tỷ đồng, ngược lại, nhiều khoản chi khác lại phát sinh như gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 đang triển khai. Bộ Tài chính sẽ phải làm gì để cân đối?

- Đúng là ngân sách năm nay rất khó khăn do cú sốc Covid-19, nhưng với kinh nghiệm 8 năm làm Bộ trưởng của tôi, thì năm nay chưa thể khó như giai đoạn 2012 - 2013- 2014 được. Lúc đó, ngân sách hầu như không còn gì. Năm nay, tuy bị cú sốc Covid-19 nhưng những năm vừa qua, ngân sách đã có dự phòng, dự trữ và chủ động được các giải pháp từ an sinh xã hội đến chính sách tài khoá.

Kịch bản điều hành đã có, hụt thu bao nhiêu thì phụ thuộc vào tăng trưởng. Nếu tăng trưởng 6,8% thì cân đối ngân sách nhà nước gồm có thu, chi, bội chi, nợ công đều theo mức đó. Bây giờ tăng trưởng không đạt như kỳ vọng, về nguyên tắc ngân sách nhà nước phải cắt chi. Nhưng có một số khoản rất khó cắt, như an sinh xã hội, đặc biệt là đầu tư không những không thể cắt được, mà còn đang phải thúc đẩy giải ngân cho tăng trưởng trung dài hạn tới đây.

Mức tăng trưởng GDP 6,8% là không thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay, nhưng phải phấn đấu ở mức cao nhất, trên dưới 5%. Mức này thì dự tính 2020 có thể phải tăng bội chi lên khoảng 70.000 – 80.000 tỷ đồng. Nhưng bội chi không phải để chi thường xuyên, mà chỉ để đầu tư thôi. Vì thế, giải ngân đầu tư công rất quan trọng, nếu không giải ngân được chưa chắc bội chi đã tăng lên đâu.

Năm nay tổng vốn đầu tư công xấp xỉ 700.000 tỷ đồng, điểm mấu chốt nhất là phải tập trung vào giải ngân khoản này, giải ngân được sẽ thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách.

- Ngoài gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng thì còn những chính sách tháo gỡ đáng chú ý gì để tháo gỡ khó khăn cho người dân?

- Mới đây, UB Thường vụ Quốc hội cũng đã đồng ý nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân lên mức 11 triệu đồng/tháng, tương ứng cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng (tăng tương ứng các mức thêm 23,2%).

Tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Rất nhiều phí, lệ phí được giảm, Bộ Tài chính đã ký hơn 10 thông tư giảm phí, lệ phí. Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương phải giảm phí và lệ phí. Tôi cũng nhắc thành phố Hải Phòng tới đây đưa ra HĐND giảm phí hạ tầng...

Miễn, giảm, giãn thuế, phí sẽ góp phần tạo được động lực tăng trưởng thời gian tới. Nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh là hơn lúc nào hết, lúc này tập trung vào làm các dự án hạ tầng.

- Trong bài toán cân đối ngân sách, hiệu quả hoạt động của ngành tài chính rất quan trọng. Bộ trưởng có thể cho biết những biện pháp kiểm soát nội bộ trong ngành thuế, hải quan, để tránh việc phải chạy theo xử lý sự vụ như nghi án Công ty Nhật Bản hối lộ cán bộ trong ngành ở Bắc Ninh vừa rồi?

- Không phải chạy theo sự vụ để giải quyết, mà nhiều năm qua ngành tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp, từ xây dựng pháp luật đến các văn bản hướng dẫn luật. Trong xây dựng pháp luật, việc rất quan trọng là phải đổi mới về phương thức quản lý, trước là tiền kiểm, bây giờ là hậu kiểm.

Ngoài cải cách thủ tục hành chính, chúng tôi làm thường xuyên lâu nay là vấn đề hiện đại hóa toàn ngành. Bây giờ kê khai thuế, kể cả chi tiêu ngân sách, thu nợ thuế, thông quan đều là điện tử.

Hiện nay, kim ngạch xuất nhập nếu so với những năm trước gấp 5-7 lần, khối lượng hàng hóa thông quan cũng lớn hơn nhiều, đối tượng quản lý thuế cũng thế, gấp 5-7 lần thế, nhưng tại sao cán bộ vẫn giảm được. Là vì những việc làm lâu nay như đổi mới phương thức quản lý, tiền kiểm sang hậu kiểm.

Trong quản trị, quản lý nội bộ, giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong ngành được triển khai rất đồng bộ. Mà đã làm trong nhiều năm chứ không phải bây giờ mới làm thì mới được như hôm nay. Ví dụ, công tác luân phiên, luân chuyển vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng thì chúng tôi làm từ năm 2014. Và bình thường một năm trên dưới 10.000 lượt cán bộ phải chuyển đổi vị trí công tác.

Còn đương nhiên trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm, đặc biệt là dư luận xã hội phản ánh thì mình cũng đã phải tập trung vào làm dứt điểm, xử lý nghiêm.

Thái Anh

Chuyên mục: Thời sự , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *