Thời sự 23/05/2018 14:47

Bộ trưởng Tài chính lý giải nguyên nhân ngân sách khó khăn

Bộ trưởng Tài chính đánh giá, sở dĩ mấy năm gần đây ngân sách trung ương gặp khó khăn bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính là dầu thô và thuế xuất nhập khẩu giảm.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) cho biết, những năm trước ngân sách trung ương chiếm 60-65% tổng thu ngân sách. Trong giai đoạn 2011-2016, có 13 địa phương điều tiết về Trung ương. Đến giai đoạn 2017-2020 có 16 địa phương điều tiết về trung ương (thêm 3 tỉnh Quảng Nam, Hưng Yên và Hải Dương).

Bộ trưởng Tài chính đánh giá, sở dĩ mấy năm gần đây ngân sách trung ương gặp khó khăn bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính là dầu thô và thuế xuất nhập khẩu giảm.

Trong đó, thu từ dầu thô giai đoạn trước chiếm 27-30% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua giá dầu thô rất biến động, cùng với đó sản lượng không tăng. Năm 2016, giá dầu bắt đầu biến động, có lúc giảm xuống còn 44 USD/thùng, có lúc 33 USD/thùng, trong khi đó giá dự toán là 60 USD/thùng. Như vậy, giảm so dự toán gần 16 USD/thùng.

"Nếu so với những năm 2014 - 2015 lên tới hơn 110 USD/ thùng thì giảm khoảng 50 USD/thùng. Do vậy từ chỗ chiếm tỷ trọng khoảng 27% thì năm 2017 dầu thô trong dự toán thu còn 3,5% dự toán", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng, thuế xuất nhập khẩu - khoản thu điều tiết về trung ương 100% lại giảm trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do dẫn đến cắt giảm thuế quan liên tục, nhất là trong năm 2017-2018.

"Mặc dù thu thuế xuất nhập khẩu đảm bảo dự toán, thậm chí tăng so với dự toán nhưng số tuyệt đối không tăng, có nghĩa là tỷ trọng giảm xuống", Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, trước tình hình đó, Chính phủ chủ trương thực hiện một bước cơ cấu lại ngân sách. Thu nội địa đã tăng đạt hơn 80% trong tổng thu ngân sách, ngân sách trung ương chiếm từ 65% giảm xuống còn 56%.

Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam hiện nay mức thuế phổ thông là gần 20% cộng thêm nhiều ưu đãi về hàng hóa, sản phẩm, lĩnh vực và địa bàn... đã khiến thực tế mức thu thuế TNDN những năm vừa qua chỉ được trên 15% chứ không được đến 20% như mức phổ thông. Riêng khu vực đầu tư nước ngoài chỉ được hơn 10%.

“Chúng ta áp dụng ưu đãi cho các dự án lớn, các vùng... doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tận dụng được, còn doanh nghiệp trong nước còn khó khăn. Đây là những vấn đề ảnh hưởng rất lớn tới ngân sách trung ương. Đây là thực tế, tới đây chúng tôi sẽ rà soát lại” - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Để cơ cấu lại ngân sách, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã nghiên cứu 1 luật sửa 6 luật, Thủ tướng đã cơ bản đồng ý, nhưng do sửa nhiều luật quá phức tạp nên Bộ sẽ chia thành 2-3 luật, có luật sẽ sửa một cách căn cơ như Luật thuế GTGT, TNDN và TTĐB.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tài chính cũng chia sẻ, những chính sách mới trong chủ trương đã có nhưng triển khai rất khó khăn, nhất là trong tuyên truyền vận động

Ví như Luật thuế tài sản, người đứng đầu ngành tài chính cho biết, mới chỉ đưa ra lấy ý kiến, cần dư luận góp ý, Bộ sẽ tiến hành tiếp thu điều chỉnh, sau đó mới lấy ý kiến bộ ngành và trình Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ, Chính phủ thông qua mới đưa lên trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh...

"Nếu thực hiện được dự án luật này cũng là cho nhiệm kỳ sau. Trong quá trình xây dựng dư luận đóng góp ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe và tiếp thu giải trình. Trong quá trình xây dựng chính sách rất cần sự đồng thuận, chia sẻ và đóng góp ý kiến", Bộ trưởng nói.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *