Thời sự 26/06/2020 07:43

Bộ Tài chính nêu đích danh 10 tỉnh "không biết tiêu tiền" vay ODA

10 địa phương chưa giải ngân bất kỳ lượng vốn đầu tư công từ nguồn vay vốn nước ngoài năm 2020, trong đó có nhiều tỉnh có tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết tại Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài, do Bộ Tài chính tổ chức hôm nay 25/6, tính đến ngày 24/6, vẫn có 10 địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020.

10 địa phương nêu trên gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang.

Bộ Tài chính nêu đích danh 10 tỉnh không thể giải ngân đầu tư công từ vốn vay

Theo ông Long, trong 6 tháng đầu năm 2020, giải ngân nguồn vốn nước ngoài mới đạt 13% (7.427 tỷ đồng) so với dự toán. 

Giải ngân của các địa phương đạt 4.611 tỷ đồng (11,98%), trong đó, có 14 địa phương đạt tỉ lệ giải ngân trên 20% so với kế hoạch vốn như Hà Nội, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An…

Riêng đối với TP.HCM, tỷ lệ giải ngân hiện là 4,13%,  tuy nhiên, TP. HCM đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án: Metro 1 Bến Thành – Suối Tiên; dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 và dự án vệ sinh môi trường TP.HCM trị giá 4.600 tỷ đồng.

“Sáu tháng đầu năm 2020, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, do đó các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 vẫn gấp 3,6 lần so với cùng kỳ của năm 2019”, ông Long cho hay.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà cho rằng, nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước thì tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn còn rất thấp (tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nước đạt hơn 28% trong 6 tháng đầu năm.

“Với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch covid-19, nếu các bộ ngành, địa phương và chủ dự án không có giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nêu rõ.

Theo ông Hà, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài trong nửa đầu năm 2020, trong đó có tác động của dịch Covid-19 nên nhiều dự án bị đình trệ, chuyên gia nước ngoài không vào Việt Nam để hỗ trợ triển khai dự án. 

“Giải ngân vốn đầu công nói chung, vốn nước ngoài nói riêng từ nay đến cuối năm còn hết sức nặng nề vì khối lượng còn lại rất lớn. Năm 2020 lại là năm cuối cùng của giai đoạn Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 nên khối lượng công việc dồn lại vô cùng lớn", ông Hà nhấn mạnh.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *